05/11/2015 8:37 AM
Khu “ổ chuột” chợ Cồn (quận Hải Châu), đang được “cò” đất săn đón sau khi thành phố Đà Nẵng có kế hoạch giải tỏa. Nhiều nhà có diện tích chỉ chục mét vuông nhưng được “cò” ngã giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ để được suất đền bù lô đất mới với giá hời.
Một ngôi nhà trong khu “ổ chuột” chợ Cồn. Ảnh: Đào Phan
Đà Nẵng đã phải tạm ngưng việc giải tỏa do đã có một hộ dân bán nhà với giá cao gấp đôi, gấp ba so với số tiền được đền bù để mua đất ở các vị trí khác.
Mấy tháng nay, khu chợ Cồn bỗng trở nên nhộn nhịp. Nhiều người dân tụ tập thành từng nhóm bàn tán xung quanh việc nên bán nhà hay không khi nhiều “cò” đất tìm đến hỏi mua với giá rất cao. Ông Nguyễn Văn Minh, tổ trưởng tổ 10, cho biết, việc này diễn ra suốt mấy tháng qua. Gần đây khi lãnh đạo thành phố trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra thì sự việc mới tạm thời lắng xuống.
Theo ông Minh, nhiều hộ dân khu chợ Cồn phàn nàn số tiền đền bù quá thấp so với giá số tiền thực tế họ phải bỏ ra để mua đất ở vị trí được phân lô.
“Nhiều hộ ở đây nhận phiếu đất khoảng vài ba trăm triệu nhưng lại được bố trí lô mới giá ngót bảy, tám trăm triệu thì tiền đâu mà mua và xây nhà, Nhà nước cho vay 5 năm rồi cũng phải trả chứ phải cho không đâu? Trong khi đó, hầu hết các hộ dân chợ Cồn đều là hộ nghèo, quanh năm sống dựa vào buôn bán. Ngôi nhà chỉ chưa đầy chục mét vuông nhưng được hỏi mua với giá trên trời, gấp 2-3 lần giá thành phố đền bù thì người dân đồng ý bán cũng là điều dễ hiểu”, ông Minh nói.
Anh Nguyễn Hiền, một người dân tổ 10, tỏ ra tiếc nuối khi quyết định nhận tạm ứng đền bù mà không bán đất. “Vừa rồi, tôi lên nhận 53/66 triệu đồng tiền đền bù rồi ra thuê nhà ở tạm khoảng gần hai tháng nay. Nhà đông người, lại chưa thể ổn định kinh doanh nên mới vài tháng gia đình đã tiêu gần cạn số tiền ứng. Giờ biết gom tiền đâu mà mua đất dựng nhà? Trước kia, “cò” đất trả giá 580 triệu mà không bán vì muốn theo chủ trương của thành phố, biết thế thì tôi bán luôn đi chỗ khác”.
Cái lợi trước mắt
Khu “ổ chuột” chợ Cồn (các tổ 10,11,12,13) đều đã có nhiều hộ bán nhà, một số khác đang cân nhắc. Tuy nhiên, không ít người lại khá dè dặt sau khi lãnh đạo thành phố trực tiếp xuống tìm hiểu sự việc.
Ông Võ Châu Phi - tổ trưởng tổ 11, cho biết, tổ đã có khoảng 10 hộ bán đất để mua đi chỗ khác. “Cò” đất cũng nhiều lần tìm đến ngã giá ngôi nhà rộng 17,2 m2 mà gia đình ông đang ở, mặc dù ông từ chối bán. Mấy hôm nay ông như “ngồi trên đống lửa” nên đã họp 16 thành viên trong gia đình về việc có nên bán nhà hay không.
“Thành phố đền bù cho nhà tôi là 630 triệu, trong khi bố trí lô đất mới với giá 1,3 tỷ đồng. Nghĩa là chúng tôi phải bỏ ra khoản tiền bằng với giá đền bù nữa mới đủ mua đất ở vị trí mới, chưa kể chi phí xây nhà phải vay Nhà nước. Vợ chồng chúng tôi cũng đã gần 60 tuổi, vay nợ thì biết bao giờ mới trả được. Mấy hôm nay cả gia đình đã nhiều lần ngồi lại với nhau bàn phương án bán phiếu đất tìm một lô mới”, ông Phi nói.
Một người dân khác (xin giấu tên) lý giải: “Nhà có 6 đứa con, được đền bù gần 400 triệu, lo đất được bố trí không đủ, nên phải bán cho người ngoài giá cao hơn để mua lô đất mới phù hợp khả năng. Gia đình tôi 40 năm nay buôn bán ở khu chợ sầm uất, giờ lên chỗ mới biết sống bằng nghề gì? Nếu vay nợ thì biết lấy gì mà trả trong khi lên chỗ mới chưa ổn định cuộc sống?”.
Trước đó, tại cuộc đối thoại với phụ nữ địa phương ngày 20/10, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, ông đã đích thân xuống khu chợ Cồn ngay lúc nửa đêm để xử lý thực trạng trên. Theo ông Thơ, bà con sống ở khu chợ Cồn xưa nay sống trong nghèo khó, nay thấy số tiền lớn trước mắt mà vội bán đất mà không nghĩ việc về sau.
“Thành phố đã tạo điều kiện hết sức bằng việc bố trí một khu chung cư ở khu vực quận Hải Châu để người dân có cuộc sống tốt hơn. Có những nhà diện tích có vài ba mét vuông vẫn được bố trí một lô riêng, nhưng phần lớn dân lại nhận đất chứ không nhận chung cư. Dân bán nhà với giá chênh lệch vài ba trăm triệu, nếu có mua cũng mua được những lô đất trong hẻm, như vậy lại cực khổ như ban đầu”, ông Thơ nói.
Giá lô quầy quá cao, tiểu thương phản đối di dời
Nhiều ngày qua, hàng trăm tiểu thương chợ Lệ Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đồng loạt bãi thị phản đối việc di dời sang chợ tạm để bàn giao đất xây chợ mới. Theo các tiểu thương, họ không chịu di dời sang chợ tạm do tiền đấu lô quầy khi vào lại chợ mới quá cao.
Sáng 3/11, UBND xã Hòa Tiến huy động lực lượng xuống đảm bảo trật tự, vận động các tiểu thương di dời. Ông Nguyễn Ái, Chủ tịch xã Hòa Tiến, cho biết: “Chợ Lệ Trạch xây cách đây 17 năm, đã xuống cấp trầm trọng, rất nguy hiểm cho bà con. Khi có chủ trương xây chợ mới với vốn đầu tư 25 tỷ đồng, chúng tôi đã thông báo cho các tiểu thương đóng góp 50% nhưng bà con cho là quá cao, huyện phải hỗ trợ giúp 2 tỷ nhưng bà con vẫn không thỏa mãn. Hiện tại, xã ghi nhận phản ảnh của bà con để trình lên cấp trên, xin hướng chỉ đạo giải quyết”.
Thanh Trần
Đào Phan (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.