Nhà ở là một trong những nhu cầu bức thiết của CNLĐ. Nắm bắt nhu cầu này, thời gian qua, thành phố Hà Nội - một trong hai trung tâm thu hút số lượng lao động di cư lớn nhất cả nước- đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, hỗ trợ nhà ở cho CNLĐ. Nhiều khu nhà ở cho CNLĐ trên địa bàn Thành phố đã được xây dựng, đưa vào sử dụng, bảo đảm quy chuẩn, với nhiều ưu đãi, song lại chưa thu hút được công nhân.
Chưa thu hút được công nhân
Mặc dù có thể được ở trong khu nhà ở dành cho công nhân khang trang, sạch sẽ, giá rẻ, điện nước ổn định song chị Lê Thị Chung, công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sei Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long), vẫn quyết định từ chối cơ hội tốt đẹp này để thuê căn nhà trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, diện tích chật trội chỉ 10m2 mà có giá tới 900.000 đồng/tháng.
Khu nhà ở công nhân KCN Bắc Thăng Long.
“Ngoài tiền nhà, tôi còn phải tiền điện, nước với giá khá cao trong khi thu nhập của công nhân thì hạn hẹp, nên cuộc sống phải tằn tiện lắm mà vẫn thiếu trước hụt sau”- chị Chung chia sẻ.
Lý giải tại sao không ở trong khu nhà công nhân, tiện nghi, giá rẻ mà lại chấp nhận thuê nhà chật trội, tạm bợ với giá đắt đỏ như vậy, chị Chung bộc bạch: “Trước đây, tôi cũng đã từng có thời gian ở trong khu nhà ở dành cho công nhân nhưng sau đó có nhiều lý do khiến tôi buộc phải chuyển ra ngoài.
Ở khu nhà ở công nhân, tuy giá thuê nhà rẻ 7-8 lần so với thuê của nhà dân (120 nghìn đồng/người/ tháng), giá điện, nước ổn định, nhưng mỗi phòng có 10-15 người cùng ở nên rất bất tiện. Chưa kể, tại chung cư cũng không có các dịch vụ đi kèm như: Nhà trẻ, cửa hàng thuốc, siêu thị...”
Thực tế cho thấy, mặc dù UBND Thành phố, các sở, ngành và các đơn vị liên quan đã quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp, song vấn đề nhà ở cho công nhân vẫn còn vướng mắc.
Tại một số khu công nghiệp, quy hoạch phát triển không đồng bộ với quy hoạch đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (nhà trẻ, rường học, trạm y tế, nhà văn hóa, siêu thị...).
Tương tự, chị Vũ Thị Hà, công nhân Công ty TNHH Toto Việt Nam cho cũng quyết định rời khu nhà ở dành cho công nhân để đi thuê nhà trọ bên ngoài, dù phải chịu giá cả đắt đỏ, cảnh sống chật trội, tạm bợ. Bởi theo chị Vũ Thị Hà: "Ở trong khu nhà ở dành cho công nhân rồi mới thấy bất tiện.
Phòng có tới 10-15 người nhưng khu phụ lại quá nhỏ, buổi sáng công nhân đồng loạt dậy để vào ca phải xếp hàng chờ nhau làm vệ sinh rất bất tiện. Thêm nữa, nhiều người thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung nên các diện tích sử dụng chung đều không sạch sẽ như mong muốn".
Còn Nguyễn Thu Lan- công nhân KCN Bắc Thăng Long- người đã chuyển từ khu nhà ở công nhân ra trọ tại thôn Hải Bối, xã Kim Chung, huyện Đông Anh thì cho hay: “Chúng em còn trẻ, đều có nhu cầu giao lưu gặp gỡ bạn bè, tụ tập, giải trí song ban quản lý khu nhà ở khống chế thời gian đi về, việc tiếp bạn bè, người thân đến thăm cũng bị giới hạn, kiểm soát rất khó chịu nên em quyết định chuyển ra ngoài”.
Do khu nhà ở dành cho công nhân vẫn còn chưa được lấp đầy và để giải quyết nhu cầu của các hộ gia đình, một số đơn vị quản lý đã kiến nghị Thành phố cho phép chuyển đổi mục đích từ cho thuê hộ đơn thân sang cho hộ gia đình thuê, nhưng điều này lại gặp bất cập về giá. Hiện giá cho thuê vẫn áp dụng như với hộ độc thân (120 nghìn đồng/người/tháng).
Theo đó, giá của căn hộ dành cho 15 người là 1,8 triệu đồng/phòng/tháng, chưa kể chi phí điện, nước. Số tiền này cao hơn nhiều so với các căn hộ được thiết kế dành cho gia đình và quá cao so với thu nhập của công nhân.
Đây là một trong những lý do khiến các khu nhà ở dành cho công nhân dù được đầu tư xây dựng bảo đảm quy chuẩn, với nhiều ưu đãi, song chưa thu hút được công nhân. Trong khi đó, nhiều lao động đang sống trong tình trạng thuê nhà tạm bợ, điều kiện sinh hoạt khó khăn, an ninh trật tự không bảo đảm với giá cao hơn nhiều.
Khắc phục những bất cập
Theo báo cáo của Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, khu nhà ở cho công nhân do Thành phố đầu tư xây dựng tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh có diện tích 20ha, gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng, 4 đơn nguyên nhà 15 tầng, đáp ứng khoảng 11.520 chỗ ở cho công nhân, lao động Khu công nghiệp Thăng Long.
Đến nay, công nhân đã thuê 5.874 chỗ ở, chiếm 64%.Xa hơn về phía Nam thành phố, dự án khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ) với hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh (có nhà trẻ, công viên, trung tâm y tế, nhà ăn), đã hoàn thiện một khu nhà với 106 phòng cho khoảng 800 người. Hiện đã có 70% số phòng được thuê với giá 170 nghìn đồng/người/ tháng.
Ngoài ra, hai dự án nhà ở của Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (đã hoàn thành 2 đơn nguyên với 2.000 chỗ ở) và Công ty TNHH Young Fast (3.200 chỗ ở) có giá thuê không phù hợp nên công nhân khó tiếp cận.
Ngày 19-5- 2017, trong cuộc đối thoại của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với CNLĐ các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội, nhiều công nhân ở khu vực Thạch Thất, Quốc Oai đã phản ánh, mức giá thuê nhà của một số dự án nhà ở khu vực này quá cao so với thu nhập của người lao động.
Thực tế cho thấy, mặc dù UBND Thành phố, các sở, ngành và các đơn vị liên quan đã quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp, song vấn đề nhà ở cho công nhân vẫn còn vướng mắc. Tại một số khu công nghiệp, quy hoạch phát triển không đồng bộ với quy hoạch đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, siêu thị...).
Điều này khiến nhiều khu công nghiệp không thể điều chỉnh, tạo quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân nên người lao động khó “an cư lạc nghiệp”.
Trong khi đó, việc đầu tư xây nhà ở cho công nhân đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, nhưng thu hồi vốn chậm, hiệu quả đầu tư không cao; các chính sách ưu đãi về vốn theo quy định của pháp luật hiện chưa đủ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
Điều này sẽ dẫn tới nghịch lý: Nhu cầu nhà ở của công nhân ngày một tăng, nhưng chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp không chú trọng xây nhà ở giá thấp cho công nhân. Cùng với đó, thu nhập thực tế còn quá thấp, CNLĐ khó có thể tích lũy để mua hoặc thuê nhà.
Theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, Hà Nội sẽ có 33 khu công nghiệp, khu công nghệ cao đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 7.000 - 10.000 lao động/năm. Theo đó, nhu cầu nhà ở cho công nhân sẽ tăng cao.
Hiện Thành phố đang đẩy nhanh công tác rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân; đồng thời bổ sung công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình văn hóa như, trung tâm thể thao, nhà trẻ, trường học..., kết nối khu công nghiệp với khu dân cư liền kề để "cung" và "cầu" gặp nhau.
Bên cạnh đó, việc rà soát, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách chưa phù hợp về đất đai, vốn, quy hoạch, phát triển hạ tầng đồng bộ... cũng sẽ được tập trung thực hiện, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực tham gia vào dự án phát triển nhà ở cho công nhân với giá phù hợp...
Với những nỗ lực của Thành phố nhằm hỗ trợ đời sống người lao động, tin rằng, những vướng mắc, bất cập về nhà ở cho công nhân sẽ sớm được giải quyết, giúp CNLĐ "an cư lạc nghiệp", đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.
Linh Chi- Ngọc Diệp (LĐTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.