Nhà máy Sản xuất sô đa Chu Lai đã dừng hoạt động nhiều năm qua
Dừng hoạt động vì gây ô nhiễm
Còn nhớ, 10 năm trước, Nhà máy Sản xuất sô đa Chu Lai là một trong những dự án trọng điểm, được Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) “trải thảm đỏ”. Năm 2010, nhà máy này khởi công trên diện tích 60 ha tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai), với vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD).
Lúc đó, nhu cầu nguyên liệu sô đa phục vụ sản xuất công nghiệp tại Việt Nam lên đến gần triệu tấn mỗi năm, lại phải nhập khẩu hoàn toàn, nên việc ra đời nhà máy sản xuất sô đa đầu tiên trên cả nước với công suất 200.000 tấn/năm được đánh giá là đầy tiềm năng.
Vào những năm 2010, Quảng Nam chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, vì vậy, Dự án Nhà máy Sản xuất sô đa Chu Lai với vốn đầu tư ngàn tỷ đồng, dự kiến đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 60 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương được đặt kỳ vọng rất lớn.
Để hỗ trợ Dự án, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã huy động các chi nhánh tại Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Tuyên Quang cho vay 1.600 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng góp thêm 400 tỷ đồng cho Dự án.
Song, trái với kỳ vọng, Nhà máy Sản xuất sô đa Chu Lai mất 5 năm xây dựng mới đi vào hoạt động. Những tưởng như vậy là ổn, nhưng ngay khi hoạt động, nhà máy này lại gây ô nhiễm nghiêm trọng, khiến người dân địa phương rất bức xúc.
Chính quyền tỉnh Quảng Nam và Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tiến hành kiểm tra và kết luận, hệ thống xử lý thải của Nhà máy Sản xuất sô đa Chu Lai không đảm bảo, ra quyết định xử phạt 730 triệu đồng vào cuối năm 2015.
Sau đó, Nhà máy Sản xuất sô đa Chu Lai đã khắc phục tình trạng ô nhiễm, nhưng chỉ tái khởi động được khoảng vài tháng, thì chính quyền tỉnh Quảng Nam lại phải tiếp tục ra quyết định dừng hoạt động từ tháng 8/2016, vì gây ô nhiễm.
Nhiều khoản nợ lớn
Ông Lương Đình Đường, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam đã rất kỳ vọng Dự án Nhà máy Sản xuất sô đa Chu Lai sẽ đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhà máy này liên tục ngừng hoạt động, khiến tỉnh bị thất thu thuế.
“Tạm tính đến cuối tháng 12/2020, Công ty cổ phần Sản xuất sô đa Chu Lai nợ thuế khoảng 72 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng nợ thuế trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi đã tiến hành các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, nhiều lần thực hiện cưỡng chế nộp thuế; thông báo tất cả hóa đơn của Công ty Sản xuất sô đa Chu Lai không còn giá trị sử dụng, phong tỏa tài khoản ngân hàng, nhưng Công ty không có số dư để đảm bảo thu hồi nợ thuế”, ông Cường thông tin.
Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của UBND tỉnh Quảng Nam (năm 2018), Công ty cổ phần Sản xuất sô đa Chu Lai mới thực hiện nộp phạt 292 triệu đồng trong tổng số 960 triệu đồng của 2 lần bị xử phạt hành chính về hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Đáng chú ý, trong số 54 tỷ đồng tiền thuê đất 50 năm, Công ty cổ phần Sản xuất sô đa Chu Lai chỉ mới trả được 8 tỷ đồng, nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa có quyền sử dụng đất theo quy định. Bên cạnh đó, Công ty này còn nợ các ngân hàng và các đơn vị khác tổng số tiền hơn 3.000 tỷ đồng.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, do Nhà máy Sản xuất sô đa Chu Lai không đi vào hoạt động, chi phí đầu tư tăng, chủ đầu tư không huy động được nguồn vốn bổ sung để khắc phục những hạn chế về mặt kỹ thuật, dẫn đến khoản nợ lớn.
Công ty cổ phần Sản xuất sô đa Chu Lai đã tìm kiếm thêm các cổ đông mới góp vốn khôi phục Dự án Nhà máy Sản xuất sô đa Chu Lai, song cũng không khả thi. Việc khôi phục Dự án cần nguồn vốn lớn lên đến 600 tỷ đồng để xử lý những hạn chế về kỹ thuật, trong đó ưu tiên hệ thống xử lý nước thải, hoàn thành tất cả nghĩa vụ tài chính và vốn, thì Nhà máy mới có thể đi vào hoạt động.
Việc Nhà máy Sản xuất sô đa Chu Lai “đắp chiếu” nhiều năm qua đã khiến hàng ngàn tỷ đồng vốn vay ngân hàng trở thành nợ khó đòi, ngân sách thất thu thuế. Nhưng, khi nào nhà máy này hoạt động trở lại thì vẫn là một câu hỏi...
Thông tin về hoạt động của Nhà máy Sản xuất sô đa Chu Lai, ông Lê Vũ Thương, Trưởng ban, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, từ cuối năm 2018, Công ty cổ phần Sản xuất sô đa Chu Lai đã huy động thêm nguồn lực bên ngoài để tái đầu tư khởi động lại nhà máy, đồng thời tăng vốn điều lệ đăng ký lên 1.002 tỷ đồng. Tháng 9/2019, công ty này đã tái khởi động Nhà máy và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép thay đổi, điều chỉnh công nghệ xử lý.
“Hiện Công ty đã tiến hành sửa chữa, đại tu Nhà máy, thi công bãi chứa tạm chất thải và tuyến ống thoát nước thải, đồng thời đang thi công hoàn thiện các công trình xử lý chất thải để được xác nhận hoàn công công trình, tiến hành thủ tục cấp phép xả thải và nộp hồ sơ vận hành thử nghiệm. Theo báo cáo của Công ty cổ phần Sản xuất sô đa Chu Lai, tính đến tháng 7/2020, Công ty đã đầu tư thêm 665 tỷ đồng cho các hạng mục, với nỗ lực đưa nhà máy hoạt động trở lại”, ông Lê Vũ Thương nói.
-
CafeLand - Tại hội thảo khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam diễn ra vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã cung cấp thông tin mới cho hàng loạt nhà đầu tư lớn tham dự tại hội thảo như Vingroup, Đất Xanh Miền Trung, Vicoland, Vinacapital Đà Nẵng,… về việc nạo vét khơi thông, phát triển đô thị - dịch vụ ven sông Trường Giang.
-
Kết luận của UBND tỉnh Quảng Nam về việc giải quyết vướng mắc tại các dự án khu dân cư, khu đô thị
UBND tỉnh Quảng Nam vừa phát đi Thông báo số 24/TB-UBND truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng tại cuộc họp giải quyết vướng mắc thủ tục đầu tư một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh....
-
Khi nào phê duyệt hai đồ án quy hoạch phân khu quan trọng tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam?
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định số 120/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh thời gian lập Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Khu công nghiệp công nghệ cao Thăng Bình và Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Khu công nghiệp Nam Thăn...
-
Kiến nghị nâng cấp, mở rộng loạt quốc lộ qua địa bàn tỉnh Quảng Nam
Cư tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ 14B, 14H và 14D đoạn qua địa bàn tỉnh để đảm bảo giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội....