Ngày 15-8 phải hoàn thành công tác này, đồng thời không để phát sinh mới” - ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã chỉ đạo như vậy trong buổi làm việc (ngày 1-7) tại huyện này.
Tổ công tác đặc biệt sẽ được toàn quyền điều động người và phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ, nếu có vướng mắc thì trực tiếp báo cáo UBND TP. “Tình trạng xây dựng không phép trong thời gian qua là sự thách thức luật pháp, cần phải được xử lý kiên quyết. Cá nhân nào tiếp tay, cản trở tổ công tác thực hiện nhiệm vụ cũng sẽ bị xử lý nghiêm” - ông Tín cương quyết.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết qua báo cáo của địa phương thì nhiều trường hợp nhà xây không phép có bố trí người vào ở (thực chất là những người được thuê) chỉ nhằm để đối phó, trì hoãn việc xử lý vi phạm. Ông cũng khẳng định mọi công trình vi phạm đều bị xử lý theo quy định hiện hành, không hề có quy tắc ngầm là chỉ những công trình thi công dang dở mới bị tháo dỡ, còn những công trình đã hoàn thành hoặc kiên cố thì bỏ qua.
Cũng có ý kiến cho rằng việc kiên quyết tháo dỡ công trình vi phạm sẽ làm ảnh hưởng đến những người nghèo đã lỡ mua. Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh cần thiết phải chấn chỉnh, lập lại kỷ cương trong xây dựng, không để đầu nậu tiếp tục lộng hành.
“Nên hiểu rằng không phải cơ quan chức năng đi cưỡng chế, tháo dỡ nhà người dân mà chúng tôi đang thực hiện theo pháp luật xử lý công trình vi phạm và người vi phạm. Đúng là đã có trường hợp bị lừa khi đọc quảng cáo trên báo mua đất nông nghiệp giá rất rẻ và được bao xây dựng. Vì thế rất mong cơ quan báo chí thông tin đa chiều để tuyên truyền cho người dân” - ông Tuấn đề nghị.
Theo thống kê, đến ngày 1-7 đã phát hiện 681 trường hợp xây dựng không phép tại huyện Bình Chánh, hiện đã tháo dỡ gần 200 căn.