15/09/2016 1:03 PM
Không có việc gì bó tay nếu chính quyền xử lý rốt ráo những vi phạm đầu tiên.
Tình trạng xây dựng nhà không phép ở một số xã thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM đã diễn ra từ lâu nhưng rộ lên những tháng gần đây (loạt bài “Nhà không phép vẫn tung hoành ở Bình Chánh”, khởi đăng từ ngày 12-9). Thật ra tình trạng trên không chỉ có ở TP.HCM, không chỉ có ở Bình Chánh. Nhưng chẳng lẽ chỉ huyện Bình Chánh mới còn các xã nông nghiệp? Chẳng lẽ chỉ Bình Chánh mới có đất giá rẻ? Và những người không đủ tiền mua nhà ở nơi khác chỉ thích làm nhà và sống ở Bình Chánh?
Nhà xây không phép ở ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh được dựng bằng tôn. Ảnh: HỒNG TRÂM
Tôi hoàn toàn đồng cảm với ý kiến của ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, về các nguyên nhân mà ông nêu ra khi trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, trong đó có việc do “đội ngũ cán bộ còn hạn chế về năng lực và có cả tiêu cực trong việc xử lý nhà không phép”. Ông Nguyễn Văn Hồng cũng cho biết có hơn 100 cán bộ, cả lãnh đạo và chuyên viên ở huyện đã bị kỷ luật, điều chuyển công tác, cho nghỉ việc, thậm chí khởi tố hình sự. Như vậy, có nghĩa ông phó chủ tịch đã công nhận có tiêu cực, cần chấn chỉnh và xử lý. Chính quyền ở những địa phương để xảy ra tràn lan vi phạm xây dựng không phép không thể chối bỏ trách nhiệm. Nếu nói không biết thì không lẽ cả hệ thống bộ máy ở đó tê liệt, xây một công trình - dù nhỏ - cũng là căn nhà chứ không phải cái chòi vịt. Nếu biết mà để xảy ra tình trạng như trên, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền địa phương ở đâu?
Tất nhiên, có thể chia sẻ những khó khăn trong quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh như ông phó chủ tịch huyện đã nói. Tuy nhiên, cách giải thích này có vẻ chưa thuyết phục bởi ở xã còn có các trưởng ấp, người dân đổ một xe cát hay cơi một tấm tôn, chẳng lẽ họ không biết? Mối liên hệ giữa ấp và xã, sự kiểm tra giám sát của cán bộ xã ra sao? Chuyện nhân sự ở xã ít hơn phường là có - do cơ chế. Nhưng nếu chính quyền cơ sở xử lý rốt ráo, nghiêm minh ngay từ những vi phạm đầu tiên thì làm sao tình trạng xây nhà không phép tràn lan đến không xử lý xuể?
Tình trạng xây dựng không phép là sự thách thức tính nghiêm minh trong kỷ cương phép nước. Để giải quyết vấn nạn này, nếu địa phương thực sự muốn làm có lẽ không quá khó khăn. Việc lập tức rà soát quy hoạch và kiến nghị cho phép dân xây dựng trong khu quy hoạch khi chưa có chủ trương đầu tư, kiến nghị xử lý nhanh các dự án mà chủ đầu tư không có khả năng bồi thường… là điều lẽ ra huyện nên nhìn thấy ngay từ khi manh nha có tình trạng xây dựng không phép vì người dân bức xúc nhà ở.
Chính quyền địa phương không thể ngồi đợi xin thêm biên chế bởi chủ trương tinh giản biên chế đang được thực hiện. Cũng không thể ngồi đợi để Chính phủ thay đổi Nghị định 26/2013/NĐ-CP… Việc cần làm ngay lúc này để lập lại kỷ cương. Phải đặt vấn đề tại sao có chuyện “cò” lộng hành lừa người đang có nhu cầu nhà ở diễn ra nhan nhản? Hãy xem lại mối quan hệ giữa “cò” - chủ thầu xây dựng và cán bộ phụ trách xây dựng ở các xã, cán bộ ấp xem có hiện tượng móc ngoặc hay không để chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Ngoài ra, cần xử lý thật nghiêm khắc các “đầu nậu” nhận thầu xây dựng nhà không phép, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu đúng, chấp hành đúng quy định xây dựng. Việc xử lý phải nghiêm minh, kiên quyết, xóa bỏ ngay tình trạng phạt để cho tồn tại và hợp thức hóa với bất kỳ lý do gì đối với các căn nhà xây dựng không phép.
Phải kết hợp với người dân để quản lý
Dân mình, đặc biệt là bà con sống ở vùng nông thôn thường quan sát những chuyện đang diễn ra xung quanh. Với việc một căn nhà được xây dựng cả tháng trời, làm sao mà qua mắt được người dân. Tôi sống tại huyện Bình Chánh, công việc của tôi khá bận rộn nhưng mỗi khi xóm có vụ việc gì là hàng xóm của tôi đều kể cho nhau nghe. Hồi trước, khu nhà tôi có miếng đất trống, chủ đất chỉ mới làm lễ động thổ thôi mà mọi người phát hiện đã báo cho chính quyền địa phương xuống kiểm tra ngay. Chưa kể, lúc xây dựng căn nhà, việc vận chuyển vật tư xây dựng ồn ã thì làm sao giấu được? Nói đến việc quản lý địa phương thì dưới cấp xã còn có trưởng, phó ấp và đây là những người gần dân nhất, nhiệm vụ của họ là thông báo tình hình, đời sống của người dân. Nếu có sự liên kết từ chính quyền địa phương với người dân thì việc quản lý nhà không phép sẽ không thành vấn đề.
Nguyễn Thanh Hồng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh
Phải làm tốt công tác tuyển chọn cán bộ
Theo như lãnh đạo huyện Bình Chánh, những khó khăn trong việc quản lý nhà không phép trên địa bàn là do thiếu nhân sự và yếu nghiệp vụ. Theo tôi, những khó khăn trên có thể khắc phục được nếu làm tốt công tác tuyển chọn cán bộ. Nên có chính sách tuyển người tài bằng hình thức thi tuyển cán bộ có đầy đủ chuyên môn và bố trí về cho các xã, phường. Ngoài việc đào tạo chuyên môn của cán bộ, còn phải rèn luyện đạo đức công vụ của cán bộ. Với thực trạng khi phát hiện cán bộ sai phạm thì thay đổi như hiện nay thì khi người mới lên tiếp nhận công việc, họ sẽ mất nhiều thời gian để làm quen công việc và sửa lỗi do người cũ gây ra. Nếu cứ như vậy trong một thời gian dài thì việc quản lý nhà không phép khó có hồi kết.
Trần Thanh Sơn, phường Bến Nghé, quận 1
Nguyễn Hiền ghi
Pháp luật TP.HCM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.