Không phải chỉ có tại hàng chục dự án nằm trong Khu đô thị Nam Cần Thơ thuộc địa bàn quận Cái Răng, thực trạng nhà để hoang, gây lãng phí lớn còn xảy ra tại hai quận trung tâm khác của TP Cần Thơ là Ninh Kiều và Bình Thủy. Người ta ví các quận này giống như quận 1, quận 3, quận 5 của Sài Gòn, có nhiều vị trí… “vàng”, khiến nhà đầu tư nhìn vào phải thèm. Thế nhưng, hiện vẫn có nhiều căn nhà bị bỏ hoang, thành nơi lý tưởng cho cỏ dại, dây leo và mèo hoang…

Tôi đánh một vòng sang Khu đô thị Nam Cần Thơ, rồi ghé vào Khu đô thị Hưng Phú 1. Ưu thế hơn các khu đô thị khác về mặt không gian (gần quận trung tâm hơn), lại nằm cạnh trường học, bệnh viện, siêu thị,… nhưng tại Khu đô thị rộng hơn 60ha này vẫn có không ít ngôi nhà để hoang. Tại Khu đô thị mới Hưng Phú rộng hơn 43ha do Công ty Xây dựng số 8 làm chủ đầu tư, bên cạnh hàng loạt nhà để bán cho thuê,… vẫn còn nhiều block nhà xây dựng dang dở rồi nằm ình ra đó.

Tại Khu đô thị Phú An rộng đến 150ha, tình trạng càng thê thảm hơn khi san sát những dãy nhà thô mọc lên rồi phơi mưa, phơi nắng gần chục năm nay. Một “cò” tưởng tôi đang tìm mặt bằng để mở công ty, chào mời: “Ông anh thuê làm gì, mua luôn đi. Nhà mới xây 1 – 2 năm trở lại đây mà họ còn bán dưới giá thành, huống hồ những căn nhà hoang bị thấm mục này. Mấy căn này giờ rẻ bèo...”.

Tại hàng loạt dự án khu đô thị cạnh đó của các chủ đầu tư Công ty TNHH Thiên Lộc, Công ty CP Xây dựng Cần Thơ, Công ty CP Đầu tư Nam Long, Công ty TNHH XD-TM Diệu Hiền,… tình trạng nhà xây rồi để hoang không đếm xuể.

Thực tế, theo tìm hiểu của PV Báo CAND, trước khi cho “mọc” lên công trình khách sạn này, cụ thể là từ năm 2000, bà Thảo từng ký hàng loạt hợp đồng xin thuê đất do EFC quản lý để thực hiện nhiều dự án, trong đó có dự án khách sạn này. Thế nhưng khi công trình khách sạn bước vào giai đoạn sắp hoàn tất thì việc làm ăn của bà Thảo bị đổ bể, khiến DN từng ứng vốn ra xây công trình này bị kẹt tính cả lãi trên 13,5 tỉ đồng. Năm 2004, bà Thảo biến mất, để lại tổng các khoản nợ trên 20 tỷ đồng. Quá trình thi hành các bản án dân sự có hiệu lực gặp không ít khó khăn. Vậy là công trình khách sạn “trơ gan cùng tuế nguyệt” cả chục năm nay.

Cũng trên địa bàn quận Ninh Kiều, trên những con đường được xem là “hot” trong chuyện làm ăn, nhìn nhiều căn nhà để hoang khiến người ta phát thèm. Nhà hàng 38 và địa chỉ 40 cạnh bên (vốn là trụ sở làm việc của một cơ quan TW) trên đại lộ Hòa Bình, từng được chính quyền bán đấu giá trên 100 tỷ đồng cho một ngân hàng, 4 -5 năm nay vẫn để không.

Công trình chợ Bình Thủy trị giá gần 20 tỷ đồng “chết yểu”.

Tại địa chỉ số 51, Nguyễn Trãi, cạnh ngã ba Nguyễn Trãi – Trần Văn Khéo, siêu thị Citimart – siêu thị đầu tiên của TP Cần Thơ, sau thời gian tồn tại ngắn ngủi, hai ba năm nay cũng đóng cửa im lìm, lãng phí hàng chục ngàn m2 mặt bằng kinh doanh. Tại địa chỉ 107, Trần Văn Hoài, một căn nhà 4 tầng được cất lên rồi để hoang ba bốn năm nay.

Sáng 21/9, PV Báo CAND gõ cửa Sở Công thương để hỏi thăm tình hình nhiều điểm kinh doanh mua bán nhưng lại để hoang, trong đó có Citimart thì được Phó Giám đốc Lê Văn Hừng cho biết gỏn gọn: Nhà đầu tư chọn vị trí ấy làm siêu thị thì “chết” là đúng rồi. Rồi ông Hừng kể về công trình chợ có vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng đã “chết yểu” giữa phố. Đó là công trình chợ quận Bình Thủy, nằm trong Khu dân cư rộng 150ha của Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận của “đại gia” Trầm Bê.

Ông Hừng kể rằng cách nay chưa lâu, ông có giới thiệu cho một nhà đầu tư Hàn Quốc đến xem công trình chợ này. Nhà đầu tư xuýt xoa vì mặt bằng đẹp, rộng rãi, bề thế. Thế nhưng, nhà đầu tư thú thật với ông rằng chẳng dám “liều lĩnh” đầu tư vào đây bởi nhìn quanh chợ, chẳng thấy bóng người dù biết rằng quy hoạch, quanh đó là khu đô thị bề thế. “Không có người ở, không có người mua, lập siêu thị bán cho ai đây?” – ông Hừng nhắc lại lời của nhà đầu tư.

Hàng loạt nhà để hoang tại dự án Khu đô thị Nam Cần Thơ.

Trước khi gặp lãnh đạo Sở Công thương, chúng tôi cũng đã “mò” đến công trình từng được kỳ vọng là một trong những chợ đẹp nhất Cần Thơ, với một khu nhà lồng hoành tráng được xây trên diện tích 16.000m2 sàn, cung cấp mặt bằng kinh doanh cho khoảng 600 sạp hàng.

Chẳng thể ngờ rằng, công trình có giá trị đầu tư gần 20 tỷ đồng này đã chết yểu… gần chục năm nay. Hiện một phần nhà lồng đã được chủ đầu tư cho một DN thuê làm kho chứa hàng hóa. Trên toàn dự án, mới chỉ có 26 người dân cất nhà trong khi theo quyết định phê duyệt quy hoạch của chính quyền TP Cần Thơ, khu này có 4.481 nền nhà ở liên kế, 749 biệt thự và 326 nhà hợp khối.

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Thủy cho biết, trước thực trạng nhà đầu tư để lãng phí nhà đất (ngoài công trình chợ, còn có dự án Bệnh viện Triều An 2, với vốn đầu tư 250 tỷ đồng nhưng mới xây hàng rào, không thi công tiếp – PV), gây bức xúc cho người dân, mới đây, lãnh đạo UBND quận đã có văn bản báo cáo, đề nghị UBND TP hỗ trợ cho quận có một buổi làm việc với ông Trầm Bê, nhằm hối thúc chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch chi tiết đã được duyệt; tránh sử dụng lãng phí với tài nguyên đất đai trên địa bàn. Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cũng vừa có văn bản đề nghị nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình xây dựng, trong đó có chợ đang bị để hoang.

Theo Binh Huyền (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.