01/04/2017 6:32 PM
“Bộ có ý tưởng mời nhà tư vấn nước ngoài thiết kế lại toàn bộ khu vườn vừa đẹp vừa sang trọng đưa Nhà hát Lớn thành công viên mở phục vụ nhân dân Thủ đô và du khách”, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng-Người phát ngôn Bộ VHTTDL xác nhận.
Thiết kế lại toàn bộ hai bên vườn Nhà hát lớn thành công viên mở phục vụ nhân dân Thủ đô và du khách. Ảnh: Như Ý
Kết nối nghệ thuật, du lịch
Trong ý tưởng thiết kế lại khu vực Nhà hát Lớn thành công viên mở phục vụ nhân dân và du khách, Bộ VHTTDL phải xử lý được quán cà phê tại đó và các không gian xung quanh. “Quán cà phê hết hạn hợp đồng từ 31/12/2016 nhưng còn vài vấn đề phải thương thảo, chắc chắn Bộ không cho thuê làm cà phê ở đây nữa”, ông Bình nói.
Về ý tưởng biến Nhà hát Lớn thành công viên mở, Bộ sẽ mời chuyên gia tư vấn nước ngoài thiết kế lại khu vườn hoa và khuôn viên sao cho sang trọng hơn. Một trong những ý tưởng đang hiện thực hoá là thiết lập tua kết nối giữa các công trình như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Nhà hát Lớn. “Chúng tôi sẽ bàn với các công ty lữ hành để thiết lập tour đưa du khách đến Nhà hát Lớn không chỉ tham quan kiến trúc mà còn thưởng thức nghệ thuật truyền thống”, ông Bình nói thêm.
Nửa năm qua Bộ nỗ lực biến Nhà hát Lớn thành điểm đến của nghệ thuật chất lượng cao. Tuy vậy nhiều nghệ sỹ cho rằng đó vẫn chỉ là cách làm ăn xổi, dựa trên những cái có sẵn của nhà hát chứ chưa có sự sàng lọc và tuyển chọn khắt khe. Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cũng nói trong khi chờ đợi sẽ tạo điều kiện cho các nhà hát truyền thống được diễn ở đây. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết công viên mở mới chỉ là ý tưởng của Bộ VHTTDL nên chưa có phần việc cụ thể.
Đúng với tâm nguyện giới kiến trúc
Nhà hát Lớn được công nhận là Di tích Lịch sử và Kiến trúc Quốc gia do Bộ VHTTDL quản lý. Bộ muốn phát huy tua du lịch nghệ thuật và kiến trúc ở đây đồng thời bắt tay với UBND TP Hà Nội đưa không gian Nhà hát Lớn kết nối với xung quanh thành không gian văn hóa Thủ đô. KTS. Trần Huy Ánh đánh giá đây là ý tưởng hay, có tầm của Bộ VHTTDL, đúng với tâm nguyện giới kiến trúc từ lâu.
“Việc tổ hợp lại không gian văn hóa ở khu vực Nhà hát Lớn nối với bảo tàng và khách sạn Hilton với cả góc phố là vấn đề được đặt ra từ quy hoạch năm 1992. Trong đó đã có những quy hoạch như tuyến đường Tràng Tiền-Tràng Thi, trong quy hoạch bảo tồn các công trình văn hóa cách đây gần 30 năm Hà Nội đã đặt vấn đề xây dựng khu vực ấy thành một không gian văn hóa của thủ đô Hà Nội”, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nói. Ông hoan nghênh ý tưởng của Bộ tuy nhiên khuyến cáo phải kế thừa những nghiên cứu trước đây bên cạnh đặt ra các dự án thành phần và phối hợp với Hà Nội để tổ chức lại không gian này.
Theo KTS. Trần Huy Ánh, thiết kế không gian Nhà hát Lớn với các công trình phụ cận là ý đồ ban đầu khi Pháp thiết kế cách nay hơn trăm năm, trong đó Nhà hát Lớn đi theo cụm công trình xung quanh tạo thành kiến trúc đô thị có giá trị và được đánh giá cao. Ở thời điểm chưa mở cửa vào đầu thập niên 1980, GS. Tôn Đại hướng dẫn nhóm sinh viên Kiến trúc của trường ĐH Xây dựng quy hoạch tổng thể không gian này và được đánh giá cao. Mục đích của nghiên cứu là kết nối không gian của các công trình quanh xung quanh trong đó Nhà hát Lớn là tâm điểm.
Ông nhắc lại Nhà hát Lớn là tổ hợp có 5 công trình gần nhau có tiếp biến lịch sử tạo nên cảnh quan kiến trúc đặc sắc được giới chuyên môn đánh giá rất cao, không những là quần thể hoàn chỉnh mà còn thể hiện cả quá trình phát triển lịch sử về kiến trúc đô thị Hà Nội theo mạch châu Âu: Bảo tàng Cách mạng ở Tông Đản là nhà thuế quan và là công trình đầu tiên ở Hà Nội mang kiểu kiến trúc tiền thuộc địa, Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có phong cách kiến trúc Đông Dương và cụm công trình gần đó như Nhà khách Bộ Quốc phòng và Bảo tàng Địa chất ở Phạm Ngũ Lão cũng rất có giá trị. “Hiện tại các công trình này bị chia cắt manh mún, sử dụng làm quán cà phê, tiệc cưới, điểm đỗ xích lô, bia hơi… không phát huy giá trị. Vì vậy một bản quy hoạch tổng thể là rất cần thiết, vừa tăng hàm lượng văn hóa vừa có khả năng mang lại giá trị nếu có những dịch vụ kinh doanh văn hóa đích thực và khoa học”, KTS. Ánh nói.
KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng phải hoàn thiện hai vườn hoa cạnh Nhà hát Lớn, bỏ quán cà phê hiện lấn chiếm vỉa hè phía sau nhà hát đi, đồng thời gắn kết không gian phía sau với Bảo tàng Lịch sử thậm chí mở rộng thêm ra một số cơ quan ở đằng sau. Đây là không gian mở liên kết gắn kết nội đô lịch sử, gắn di sản quốc gia là hồ Gươm với cảnh quan sông Hồng. Nói đến không gian mở, KTS. Ánh nhắc lại hàng rào hiện nay không có trong thiết kế gốc, nó hình thành trong quá trình chúng ta phân tán nhỏ lẻ và biến các công trình thành manh mún như hiện nay.
“Chỉ mở rộng không gian là không đủ, cần có cả nội dung văn hóa và chú trọng việc di dời các bộ ngành, cơ quan không thích hợp ra khỏi nội đô. Phải đề xuất được nhiều dự án thành phần và tập hợp nhiều ngành vì đây là khu vực đa ngành”, KTS. Nghiêm nói. Ông nhắc lại trong suốt mấy chục năm qua rất nhiều hội thảo và cuộc thi bàn về không gian văn hóa Thủ đô quanh Nhà hát Lớn trong đó đầu mối quản lý không gian là UBND thành phố. Về chuyện di dời các công trình ông nêu các khúc mắc như tòa nhà Tổng cục địa chất và một số bộ ngành chưa thể di dời. Đây cũng là bài toán đau đầu, bởi Hà Nội từng phải đền bù một dự án 3.000m2 xây văn phòng gắn với Hilton bằng một khu vực gần 6 ha ở khu vực khác.
KTS. Trần Huy Ánh cũng nhắc lại Nhà hát Lớn là mô hình nhỏ hơn của Nhà hát Lớn Garnier ở Paris nhưng lại hoàn chỉnh hơn: Nhà hát bên Paris không có được khoảng sân trước và vườn hoa hai bên như ở Hà Nội, nên Nhà hát Lớn Hà Nội trông bề thế hơn. “Sân trước Nhà hát Lớn bị kích quá, phần quảng trường chủ yếu mang tính chất đảo giao thông. Nếu không xử lý vấn đề đó thì số lượng người và thời gian lưu lại trước Nhà hát Lớn bị hạn chế. Hai bên Nhà hát Lớn có hai vườn hoa nên phải kết nối không gian nhà hát với hai vườn hoa tạo thành quần thể mở cho công cộng. Muốn vậy phải quy hoạch giao thông, kết nối lại thành những không gian đi bộ cộng đồng hay không gian văn hóa”, KTS. Hoàng Thúc Hào nói.
Cho rằng việc hình thành các khu vực ngầm không khó, nhưng KTS. Trần Huy Ánh nhấn mạnh không thể manh mún. “Việt Nam là nước cuối cùng ở Đông Nam Á thực hiện không gian ngầm ở đô thị. Sợ nhất và khó nhất là manh mún kiểu ông này đào một hố muốn làm công viên, ông khác muốn đào một cái bán bia hơi... Không gian ngầm mà không kết nối chỉ là cái hố phức tạp đầy rẫy những rủi ro, nhưng nếu nó kết nối cả phía trên lẫn bên dưới của chính nó và xung quanh thì thành hệ thống đóng góp tích cực hơn vào hoạt động đô thị”, ông nói.
Toan Toan (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.