09/08/2018 1:04 PM
CafeLand - Dù hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) ngày càng mạnh mẽ, số lượng và giá trị các thương vụ ngày càng tăng, song giới chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều yếu tố trở ngại khiến số lượng thương vụ diễn ra thành công còn hạn chế.

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, cho biết môi trường M&A hoạt động ngày càng mạnh mẽ và thành công với tốc độ tăng trưởng hàng năm 17%. Điển hình có thể kể đến thương vụ Thaibev đầu tư vào Sabeco.

Sau thương vụ này, khả năng thương hiệu Việt Nam tham gia thế giới là rất tốt. “Nếu không có M&A sẽ rất khó cho thương hiệu Việt Nam xuất hiện như vậy trên thế giới”, ông Cleine đánh giá.

Dù vậy, vị này cũng nói thêm rằng tỷ lệ chốt thương vụ ở Việt Nam chưa cao. Điều này quyết định mức độ năng động của thị trường. Nếu như có 5 thương vụ được tìm kiếm và nghiên cứu để thực hiện thì chỉ có 2 thương vụ được chốt thành công.

Ông Cleine cho rằng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến điều này, trong đó điều mà các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại khi tham gia M&A tại Việt Nam chính là chất lượng thông tin trong quá khứ của doanh nghiệp.

“Họ quan tâm tới thông tin có được chia sẻ đồng đều cho các bên liên quan hay không, chất lượng thông tin được công bố, cách quản lý sổ sách, nợ, các khoản phải thu… Khi họ nhìn vào đây phải có sự khớp nối với nhau”, ông Cleine nói và cho biết thêm một vấn đề nữa khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi thực hiện các thương vụ M&A là chính sách thuế của nước sở tại.

Trong quá trình đàm phán, để có nhà đầu tư thực thụ, họ tập trung nhiều và kỳ vọng vào định giá. Đôi khi, quá trình M&A phải dự tính luôn cả IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng) mới có thể đánh giá được hết giá trị thực. Một thách thức nữa mà nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi thực hiện các thương vụ M&A chính là thách thức về luật định cấp phép và các thủ tục hành chính. Vì vậy, Chính phủ đang giải quyết các vấn đề này.

Làm việc và tiếp xúc nhiều nhà đầu tư khác nhau, ông Lê Viết Anh Phong, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn tài chính của Công ty Deloitte Việt Nam, cho rằng thách thức lớn nhất trong môi trường M&A tại Việt Nam chính là định giá.

“Người bán lại so sánh tương đồng với các giao dịch, không đủ thông tin, cơ sở để đưa ra định giá, rồi các điều kiện, các thời hạn… thông tin sẵn có để đưa ra định giá là gì. Còn bên mua, muốn giá hợp lý, phải đa dạng biến so sánh trên thị trường. Rồi còn chất lượng thông tin và còn cả vấn đề người chủ doanh nghiệp không sẵn lòng chia sẻ thông tin cho bên mua”, ông Phong nói.

Giải quyết vấn đề này, ông Neil Mac Gregor, Tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam, cho rằng việc phân bổ rủi ro quan trọng hơn là định giá. Vì vậy cần tính đến yếu tố này trước rồi mới đến định giá cao hay thấp. “Người ta sẵn sàng trả giá cao nếu giảm thiểu được rủi ro của họ. Cần phân bổ được rủi ro ngay từ đầu, trước khi nói đến định giá, lúc đó giao dịch mới được chốt được”,vị này giải thích.

Tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong năm 2018, Chính phủ sẽ đôn đốc chỉ đạo rà soát ký Hiệp định với EU. Dự kiến cuối năm nay, sẽ trình phê duyệt Hiệp định thương mại này. “Với môi trường hội nhập sâu rộng như vậy, tôi tin sẽ thu hút đầu tư tốt hơn”, Phó thủ tướng kết luận.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.