Theo ông Chris Brown, Tổng giám đốc công ty Cushman & Wakefield (Vietnam), hiện nay, những nhà đầu tư thận trọng, nhiệt huyết và có khả năng tài chính tốt vẫn đang tìm kiếm những cơ hội mới ở Việt Nam và ở giai đoạn này của chu kỳ bất động sản sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư.
“Chỉ có một số ít các nhà đầu tư trụ lại được qua hơn một chu kỳ bất động sản và chúng ta đang trải qua cuộc suy thoái lớn nhất của thị trường Việt Nam. Thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, những doanh nghiệp bước ra khỏi suy thoái sẽ có cơ cấu phù hợp hơn và mạnh mẽ hơn cho những bước nhảy trong tương lai”, ông Chris Brown nói.
Cũng theo vị Tổng giám đốc này, các dự án thanh lý có địa điểm tốt, hồ sơ giấy tờ minh bạch, cấu trúc sở hữu hợp lý và giá cả cạnh tranh đang được các nhà đầu tư quan tâm nhất.
Ông Chris Brown, Tổng giám đốc công ty Cushman & Wakefield (Vietnam), Ảnh Lê Toàn
Trên thực tế, một số chủ đầu tư Việt Nam quan niệm các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhân cơ hội thị trường bất động sản trong nước đang giảm, tìm cách thôn tính những dự án của họ trong 2-3 năm tới. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhận thấy thị trường Việt Nam là thị trường chưa phát triển, tồn tại nhiều rủi ro. Bởi lẽ, thời gian qua các nhà đầu tư ngoại đã chịu tổn thất lớn khi thị trường suy thoái và sẽ không tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian ngắn.
“Thị trường đầu tư trong nước sẽ không phục hồi nhanh chóng nếu không có sự điều chỉnh kịp thời về giá đất và giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm và kiên nhẫn, hợp tác cùng các công ty quản lý hoặc vận hành bất động sản chuyên nghiệp để đưa thị trường thoát khỏi tình trạng suy giảm hiện nay. Điều này cũng giúp cho thị trường minh bạch và chuyên nghiệp hơn trong tương lai”, ông Chris Brown dự báo.
Hiện tại, những nhà đầu tư ở các quốc gia thuộc Châu Á đã từng đầu tư vào thị trường Việt Nam có mối quan tâm nhất tới những tài sản thanh lý của Việt Nam. Những quốc gia này bao gồm: Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc. Đa số nhà đầu tư vẫn đang phát triển dự án của họ tại Việt Nam theo chiến lược dài hạn. Đơn cử như trường hợp công ty Cushman & Wakefield đang nhận được nhiều yêu cầu quan tâm đầu tư từ các công ty Trung Đông và Nga (quan tâm tới thị trường bất động sản ở Hà Nội và TP.HCM).
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, một trong những rào cản lớn nhất khiến cho việc gia nhập thị trường và cũng là yếu tố lớn nhất để đảm bảo tính sinh lời của dự án bất động sản là giá đất. Ví dụ, giá đất để xây dự án thương mại ở trung tâm TP.HCM bằng 85% so với Singapore, trong khi giá thuê văn phòng tại Singapore cao gấp 2,5 lần TP.HCM! Hoặc so sánh thì thấy GDP của TP.HCM tương đương với Manila (Philippines), nhưng giá đất thì cao gấp đôi. Chính điều này khiến cho giá nhà ở hai thành phố lớn nhất nước khá cao và gặp khó về đầu ra khi nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Do đó, để “cởi trói” cho thị trường bất động sản, một trong những yếu tố then chốt đó là giá đất cần phải thay đổi theo thị trường, giống như giá thuê văn phòng và giá nhà/căn hộ.