13/03/2013 7:42 AM
Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết, sắp tới sẽ chấm dứt cảnh doanh nghiệp được giao hàng trăm héc-ta đất và bồi thường với giá rẻ rồi bán ra với giá đắt gấp hàng chục lần.

Người nông dân không thể ổn định cuộc sống nếu bị tách rời khỏi đất đai

- Nhiều ý kiến đề xuất bỏ thu hồi đất vì mục đích kinh tế - xã hội. Bộ TN-MT ghi nhận các ý kiến này như thế nào?

- Nhiều ĐBQH cũng đề cập vấn đề này, nói mục đích kinh tế - xã hội chung chung là khá rộng và trong lợi ích quốc phòng, công cộng cũng đã có “kinh tế - xã hội” rồi. Nhưng nếu bỏ thì những công trình kinh tế xã hội do Nhà nước đầu tư xử lý thế nào? Các khu công nghiệp, khu kinh tế mà Nhà nước không đứng ra thì ai làm được? Ở đây, ý người ta muốn nói là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là dự án khu đô thị, nơi những người được giao đất được xem là kiếm lời lớn nhất. Với các đối tượng này, chúng ta sẽ có biện pháp khống chế.

- Vậy Bộ sẽ đề xuất gì để điều chỉnh cơ chế thu hồi đất hiện nay?

- Hướng chung là các nhà đầu tư vào các dự án này chỉ còn là nhà đầu tư thứ cấp. Nhà nước sẽ thu hồi và họ chỉ tham gia đấu giá. Sẽ không có chuyện Nhà nước giao cho các nhà đầu tư mấy chục héc-ta rồi nhà đầu tư đứng ra thu hồi đất. Lâu nay, người ta khiếu kiện là ở chỗ “ông” (doanh nghiệp - PV) đền bù một mét vuông đất cho tôi có mấy trăm nghìn đồng nhưng “ông” bán ra gấp hàng chục lần. Ngoài ra, sẽ hình thành cơ chế mở, người dân có quyền chuyển nhượng mục đích sử dụng. Trước đây người ta nói nhiều tới phần tự thỏa thuận, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Giờ sẽ quy định tôi chuyển nhượng đất này cho anh nhưng khi thay đổi mục đích sử dụng phải có ý kiến của Nhà nước.

- Có ý kiến nói nên chuyển thành “trưng dụng, trưng mua” chứ không nên để khái niệm “thu hồi” đất đai, quan điểm của Bộ trưởng?

- Người ta nói nhiều tới trưng thu, trưng mua, với cách hiểu đất đai là tài sản. Nhưng ở nước ta, cái mà người dân sở hữu là quyền tài sản chứ không phải tài sản. Nếu nói tài sản thì đất đai phải là sở hữu tư nhân. Chỉ trong trường hợp có chiến tranh, thiên tai thì đất đai có thể được trưng thu hoặc trưng mua, chứ không thể nói quốc phòng an ninh chung chung được. Sở hữu toàn dân thì Nhà nước thu hồi là đúng. Có điều chế độ chính sách thế nào, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi GPMB thực hiện cho tốt để đảm bảo quyền lợi người dân.

- Dù vậy, người ta vẫn lo ngại nếu để cụm từ “dự án kinh tế - xã hội”, sẽ có chuyện thu hồi đất tùy tiện?
- Không phải bất kỳ dự án vì mục đích kinh tế - xã hội nào, Nhà nước cũng đứng ra thu hồi. Nhiều dự án nhà đầu tư phải thỏa thuận với người có đất. Nhà nước sẽ thu hồi sau đó tổ chức đấu giá, tạo ra công bằng, sòng phẳng. Vừa rồi chúng ta “thả” ra quá, nhiều doanh nghiệp thu lời ghê lắm!

- Đối với người dân bị thu hồi đất, chính sách mới sẽ đem lại thêm quyền lợi cho họ?

- Bồi thường phải theo quy định pháp luật, ngoài ra còn hỗ trợ di chuyển, tái định cư, nghề nghiệp... Nói chung, trong quá trình tổ chức thực hiện, chính sách của chúng ta cũng rất cởi mở. Tất nhiên, việc bồi thường còn nhiều vấn đề. Điều quan trọng làm thế nào để sau khi thu hồi đất thì cuộc sống của người dân vẫn ổn định. Chính sách gì thì chính sách, chứ không thể đẩy họ ra đường. Sảy nhà ra thất nghiệp, mà người bị thu hồi đất hầu hết là nông dân, nếu không có đất sao mà sống, sao ổn định được?

- Bộ trưởng có hy vọng việc sửa Luật Đất đai sẽ giúp giảm khiếu kiện?

- Tình hình khiếu kiện căng thẳng do nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân rất quan trọng do quá trình tổ chức thực hiện của các cơ quan chuyên môn. Việc thu hồi đất của ta trong thời gian qua tôi cho là khá tùy tiện. Thứ hai là chính sách không thỏa đáng, liên quan nhiều cơ quan mà có chỗ thiếu công bằng, không công khai, không minh bạch, thậm chí lợi dụng để thu lợi cho cá nhân, nhóm lợi ích. Một điểm phức tạp nữa là nguồn gốc đất đai. Người ta kiện nhiều cũng vì thế. Chúng tôi hy vọng qua lần sửa luật này, sẽ giảm được tình trạng khiếu kiện của người dân. Phải làm thế nào để những quyền về đất đai của người dân được đảm bảo và những người thực thi công vụ phải thực hiện tốt công việc của mình.

- Ông nghĩ sao về đề xuất cho phép sở hữu tư nhân đối với đất đai?

- Có ý kiến nêu lên như vậy nhưng đây là vấn đề hết sức phức tạp. Chúng tôi vừa rồi có đoàn khảo sát ở Thái Lan. Ở nước này, toàn bộ đất nông nghiệp cũng là của Nhà nước, luật quy định như thế. Đất giao hộ sản xuất nông nghiệp là không được chuyển nhượng chứ không phải như chúng ta, chuyển nhượng quá dễ dãi như mớ rau...

* Bạn đọc có thể trao đổi bình luận thêm ở trang Bạn đọc viết của CafeLand

Chính Trung (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.