Chị Quỳnh Anh, một nhà đầu tư tại dự án ở khu vực phía Tây thành phố đầu tư một căn hộ chung cư mua căn hộ ở Pháp Vân rộng 110 m2 từ năm 2010. Đóng tiền theo tiến độ 50% tương đương với gần 700 triệu đồng song do chậm tiến độ, chị đành phải bỏ dở dự án để rút tiền về. "Bỏ ngang hợp đồng, tôi mất 100 triệu đồng nộp phạt nhưng như thế còn hơn dự án chậm tiến độ, mãi chưa bàn giao", chị chia sẻ.
Chị Quỳnh Anh tâm sự, nếu tiếp tục "theo đuổi" đến cùng dự án, chị sẽ mất tổng cộng khoảng 1,7 tỷ đồng. Trong khi toàn bộ số tiền của chị đã "ném" vào 3 lô đất nền nên không còn đủ tài chính để mua căn chung cư đeo đẳng suốt thời gian dài.
Địa ốc vẫn ảm đạm trong tháng cô hồn. Ảnh: Hoàng Lan.
Nhiều nhà đầu tư cho hay, trong bối cảnh địa ốc trầm lắng như hiện nay, rót vốn vào địa ốc chẳng khác nào "chui đầu vào lửa". Chị Phương, một nhà đầu tư chia sẻ, chị mua một căn hộ ở rộng 96 m2 ở khu vực Minh Khai (Hà Nội) với giá chiết khấu 9%. Nhưng mới đóng xong 550 triệu đồng đợt một cộng với 50 triệu đồng tiền đặt cọc thì gặp đúng lúc thị trường đi xuống nên kế hoạch lướt sóng của chị bị phá sản. "Nhờ mối quan hệ nên tôi không phải nộp phạt hàng trăm triệu đồng tiền bỏ hợp đồng và đòi được chủ đầu tư toàn bộ số tiền hơn nửa tỷ đồng", chị Phương kể.
Kể từ cuối tháng 4/2011 địa ốc rơi vào cảnh trầm lắng ở hầu hết phân khúc. Nhà đầu tư thứ cấp liên tục hạ giá để cắt lỗ. Ngay cả những dự án cao cấp như Keangnam, làng Việt kiều Châu Âu... hàng loạt nhà đầu tư thứ cấp cũng hạ giá bán. Một môi giới cho biết, không ít căn hộ làng Việt kiều châu Âu "đại hạ giá" xuống còn 18-22 triệu đồng mỗi m2, trong khi trước đó "hét" tới 25-26 triệu đồng. Căn hộ Keangnam rộng 160 m2 đã trang bị hệ thống tủ bếp máy giặt cũng chỉ còn 1.900 USD mỗi m2...
Mới đây, gây xôn xao nhất phải kể đến việc Tập đoàn FLC lập cả "tổ đòi nợ" để đòi tiền khách hàng. Năm lần bảy lượt gửi thông báo mời người mua tới nhận nhà nhưng số người tới nhận chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chủ đầu tư thông báo sẽ bán phá giá những căn hộ nếu khách không chịu nộp tiền đợt cuối để nhận nhà, thậm chí dọa khởi kiện những trường hợp chây ỳ… Chủ đầu tư cho biết, nếu khách hàng không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán và không đến nhận nhà ở thì sẽ bán căn hộ để thu hồi công nợ.
Trên nhiều trang mạng rao vặt, căn hộ tòa nhà FLC Lê Đức Thọ được nhiều nhà đầu tư rao bán với mức 23-25 triệu đồng mỗi m2 tùy vị trí đã bao gồm phí sang tên. Anh Thịnh Lâm, một môi giới ở khu vực Mỹ Đình cho biết văn phòng anh đang có 5 căn hộ được chủ nhà ký gửi suốt hai tháng nay song vẫn chưa bán được. "Một dự án ở khu vực Dịch Vọng, cách FLC 2 km nhưng chào bán tới trên 30 triệu đồng. Mặc dù dự án ở Lê Đức Thọ giá rẻ nhưng cũng ế, không ai mua trong tháng 7 âm lịch", anh Lâm nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Trung Hà, tổng giám đốc Hòa Phát Land cho rằng, động thái bỏ ngang dự án chấp nhận nộp phạt là hành động khôn ngoan để cắt lỗ. Bởi thực tế, nếu nhà đầu tư tiếp tục theo đuổi dự án, họ sẽ mất hàng tỷ đồng, trong khi đó, cơ hội mua đi bán lại trong bối cảnh hiện nay là không thể. "Thời điểm nhà đầu tư thu lời hàng trăm triệu đồng nhờ lướt sóng đã qua lâu rồi nên họ buộc phải phá hợp đồng chấp nhận 'đau một lần' còn hơn ôm đến hết vòng đời dự án với đống tài sản 'chết' không bán được cho ai", ông nói.
Theo ông Hà, trong bối cảnh địa ốc trầm lắng ở tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch), các căn hộ càng cao cấp càng phải hạ giá bán. Nhiều chung cư tự gắn mác cao cấp để đẩy giá hàng nghìn USD mỗi m2 và vượt xa giá trị thực nên nay buộc phải điều chỉnh. Tuy nhiên, ông Hà phân tích, dù có "đại hạ giá" cũng không có ai mua vì nhà đầu tư đang trong tình cảnh tháo chạy. Còn người mua thực cân nhắc kỹ lưỡng, tính toán cẩn thận về chất lượng cũng như giá tiền, thậm chí chờ thị trường chạm đáy nên sẽ không mua vội vàng.
"Nếu như trước đây, khi địa ốc còn khan hiếm, thông tin thiếu, người ta phải nhờ mối quan hệ mới mua được chung cư thì nay dự án đã ê hề. Khi địa ốc còn hưng thịnh, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn mua để cho thuê lại, nhưng nay cho thuê cũng khó nên dự án chung cư đã ế càng ế hơn", ông nói.