Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản vào cuối tuần qua, dọc các trục đường trước đây sôi động cảnh mở bán, chào hàng như Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh (quận 9), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Nguyễn Hữu Thọ (Nhà Bè)..., lượng người đi tìm mua đất nền phân lô giá rẻ đã giảm, cảnh mua bán cũng đìu hiu.
Đơn cử, tại một khu đất trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9), không còn cảnh cả tốp nhân viên môi giới đứng thành hàng dài để chào hàng, phát tờ rơi nữa. Thay vào đó, những chiếc băng rôn chào bán đã được thu lại, xếp gọn một góc. Tại cổng ngoài, chỉ có một nhóm nhân viên khoảng 3 người ngồi trực, nhưng không đon đả chào mời khi thấy có người tới thăm dự án như trước. Tương tự, số lượng khách hàng xuống tận huyện Bình Chánh để tìm mua đất cũng đã giảm rõ rệt. Bà Huệ, một “cò đất” thổ địa tại khu vực các xã dọc trục Quốc lộ 50 cho biết, khoảng 2 tháng trở lại đây, lượng khách hàng xuống hỏi tìm mua đất giảm mạnh, nếu có thì cũng chỉ hỏi để tham khảo chứ không mua.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Ngọc Anh, một nhà đầu tư cá nhân tại quận Thủ Đức cho biết, dù vẫn biết đất nền là phân khúc hấp dẫn nhất trong các loại hình bất động sản, nhưng sau hàng loạt vụ việc liên quan đến dự án “ma” thì anh cũng phần nào lo lắng. Bởi hiện nay, trên thị trường có không ít các công ty vì ham lợi nhuận mà tự vẽ quy hoạch, tự biến đất rừng, đất nông nghiệp… thành dự án khu dân cư.
Nhớ lại một lần đi xem một dự án tại Đồng Nai, anh Ngọc Anh cho biết, sau khi trao đổi qua điện thoại thì anh được nhân viên môi giới hẹn đến một nhà hàng lớn tại đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM để tư vấn.
Khi đến đó, điều anh thấy bất ngờ là đã có rất nhiều khách hàng và nhân viên đang trao đổi, nói chuyện rất sôi nổi. Sau đó, khi đã tập trung được nhiều người, công ty sẽ bố trí 3-4 nhân viên để chăm sóc 2 khách hàng và đưa lên một chiếc taxi 7 chỗ để di chuyển tới dự án.
“Để lấy lòng tin của khách hàng, nhân viên công ty mở ứng dụng DNAI.LIS để tra cứu thông tin quy hoạch khu đất cho khách xem. Theo đó, khu đất thuộc quy hoạch đất ở nông thôn. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu được xem giấy tờ pháp lý của dự án thì lại được hẹn lên công ty để làm việc”, anh Ngọc Anh nói và cho biết thêm, khi lên trụ sở công ty tại phường 2, quận Tân Bình, để tìm hiểu thông tin thì lúc này, nhân viên lại bảo rằng, quy định của công ty là khi nào khách hàng ký hợp đồng rồi thì mới được xem giấy tờ pháp lý của dự án.
“Sau một hồi trao đổi và liên tục tỏ ra không hài lòng với cách làm việc này, một nhân viên tư vấn của công ty mới thừa nhận rằng, đây không phải dự án nên không có quy hoạch 1/500 cũng như các giấy tờ khác”, anh Ngọc Anh kể.
Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản về lý do khách hàng thận trọng hơn, bà Trần Mỹ Linh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc Đức Linh cho biết, do thị trường trải qua nhiều sự biến động về giá, hoạt động đầu tư đất nền năm 2019 vì thế cũng thay đổi. Nếu trước đây nhà đầu tư mạnh dạn bỏ tiền vào các dự án chưa ra sổ để hưởng chênh lệch cao hơn khi nền đất đã có sổ thì hiện nay đa số nhà đầu tư chỉ yên tâm khi bỏ tiền vào đất đã có sổ. Do đó, những nền đất “sạch” còn sót lại trong các khu dân cư luôn hấp dẫn khách hàng, trong đó có nhà đầu tư. Tuy nhiên, so với những năm trước, hiện nay nhà đầu tư cẩn trọng khi quyết định xuống tiền với đất nền hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding chia sẻ, mặc dù phân khúc đất nền thời gian qua có những sự cố liên quan tới địa ốc Alibaba, Angel Lina phân phối dự án “ma”… gây ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường bất động sản sẽ trở về giá trị thực. Khách hàng có nhu cầu ở thực hoặc đầu tư lâu dài sẽ mua được dự án tốt với giá hợp lý và pháp lý minh bạch.
“Trước đây, nhiều người thường chủ quan và mua bán sang tay, thiếu an toàn. Tuy nhiên, với diễn biến thị trường hiện nay, khách hàng cần có tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng về hồ sơ pháp lý của sản phẩm cũng như giao dịch với những chủ đầu tư, môi giới có uy tín. Ngoài ra, các công ty cũng phải có trách nhiệm tư vấn chi tiết về pháp lý cho sản phẩm mình rao bán”, ông Hậu nói.