Giá vàng thế giới ngày hôm qua đã bất ngờ suy giảm mạnh. Kết thúc phiên đầu tuần tại sàn giao dịch New York, giá vàng đã giảm tới 34 USD/oz, tức là gần 2% giá trị, xuống còn 1.778,50 USD/oz. Trước bối cảnh phức tạp của cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu và nợ ngắn hạn của chính phủ Mỹ, các nhà đầu tư đã chọn đồng USD là làm tài sản dự trữ thay vàng.
Vàng giảm, USD lên ngôi
Giá vàng liên tục có những biến động mạnh trong vài tháng qua khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà với loại tài sản dự trữ này nữa mà chuyển sang trái phiếu dài hạn của chính phủ Mỹ và đồng USD, bất chấp việc Cục dự trữ liên bang Mỹ FED tuyên bố vẫn sẽ giữ lãi suất ở mức thấp cho đến giữa năm 2013.
"Nhà đầu tư đang lựa chọn tiền mặt thay vì các loại tài sản thế chấp an toàn như vàng", David Meger, chuyên gia tại Chicago nhận định.
"Tình hình hiện cho thấy nền kinh tế thế giới đang rất bất ổn. Ngoài vàng, USD vẫn được coi là nơi trú ẩn an toàn thực sự trong tâm trí các nhà đầu tư", Wan - Chong Kung, chuyên gia tại Nuveen Asset Management, Minneapolis, nhận định.
Một số chuyên gia lại cho rằng, giá vàng giảm là do một số nhà đầu tư thấy đã được giá và bắt đầu bán vàng ra để chốt lời. Đầu năm, giá vàng chỉ ở mức 1.400 USD/oz, và đã tăng mạnh trong thời gian qua. Có thời điểm giá vàng đã lập kỷ lục hơn 1.920 USD/oz cách đây vài tuần.
"Trên thực tế, vàng vẫn là một trong số ít tài sản giữ vững giá trị mà nhà đầu tư có thể bán ra đề bù đắp thiệt hai từ thị trường chứng khoán và các loại tài sản rủi ro khác", Adnant Akan, chuyên gia tại New York, nói.
"Vàng có giảm đi đôi chút, nhưng nó vẫn là một trong những tài sản có khả năng giữ vững giá trị nhất", Greg Salvaggio, chuyên gia của Tempus Consulting, Washington, đánh giá.
Tại sàn Comex, giá vàng kỳ hạn giao trong tháng 12 cũng đã giảm 2% xuống còn 1.788,90 USD/oz. Những mối lo ngại về khủng hoảng nợ tại Hy Lạp sẽ tiếp tục lan sang nhiều quốc gia khác tại Liên minh châu Âu và ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng ở đây khiến các nhà đầu tư tìm đến đồng đô la như một tài sản dự trữ an toàn. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Mỹ vẫn rất sâu sắc.
"Những chuyển biến hiện tại của nền kinh tế Mỹ chỉ là ngắn hạn và Mỹ vẫn là quốc gia có tín dụng tốt nhất thế giới", Dan Fuss, chuyên gia của Loomis Sayles, khẳng định.
Tuy nhiên, hiện các nhà phân tích cho rằng, việc FED nhiều khả năng tung ra một gói kích cầu mới cho nền kinh tế Mỹ trong phiên họp diễn ra vào cuối tuần này sẽ khiến đồng USD yếu đi, đồng thời thổi bùng lạm phát và đẩy giá vàng lên cao hơn trong thời gian tới.
TTCK suy yếu do tác động của châu Âu
Thị trường chứng khoán thế giới đã có phiên giảm điểm đầu tiên sau một tuần tăng điểm liên tiếp. Thị trường suy giảm do tình hình tại Hy Lạp đang diễn biến xấu đi và cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu đang có nhiều nguy cơ lan tràn sang các quốc gia khác trong khu vực.
Tại sàn giao dịch New York, các chỉ số lớn đều giảm nhẹ, ở mức dưới 1%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm 0,94%, chỉ số S&P 500 giảm 0,98%, chỉ số Nasdaq giảm 0,36%. Trong khi đó, chứng khoán ở châu Âu đã giảm mạnh, với biên độ gần 3%. Chỉ số STOXX 50 đã giảm 2,93%, chỉ số DAX cũng giảm 2,83%, cho thấy mối lo ngày càng lớn của các nhà đầu tư với tình hình tại châu Âu. Tuy nhiên, thị trường cũng không diễn biến xấu như nhiều người lo lắng.
"Các cuộc thảo luận tại châu Âu hiện đang diễn ra một cách tích cực và có tính xây dựng hơn. Vẫn có một vài nhân tố ảnh hưởng đến thị trường, nhưng các nhà đầu tư đã dự đoán trước được điều này." Peter Kenny, chuyên gia của Knight Capital, New Jersey nói.
Các nhà đầu tư đang mong chờ cuộc họp của cục dự trữ liên bang Mỹ FED diễn ra trong ngày 20 và 21/9 tới đây để tìm ra phương pháp giúp phục hồi nền kinh tế Mỹ.
Hiện những nghi ngờ về chính sách tài chính của Mỹ và việc Tổng thống Obama tuyên bố sẽ đưa ra một kế hoạch trị giá 3 nghìn tỉ USD để cắt giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ bằng việc đánh thuế mạnh vào người giàu đang ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, dưới sức ép của Đảng Cộng hòa, tuyên bố này rất ít có khả năng trở thành một đạo luật.