24/03/2012 2:02 AM
Thời điểm trước, khi thị trường bất động sản trong giai đoạn sốt đất, nhiều nhà đầu tư và người mua nhà bất chấp rủi ro về pháp lý và năng lực của chủ đầu tư dự án, thỏa thuận việc mua bán với mong muốn lướt sóng kiếm lời.

Tuy nhiên khi thị trường lao dốc, không ít người đã bị mắc cạn trong cơn sóng với những dự án kiểu này. Nhiều nhà đầu tư đã chợt nhận ra rằng, những khoản tiền lớn mà mình đã nộp cho chủ đầu tư từ vài năm trước đó giờ không biết ở đâu và mình đang phải đối mặt với rủi ro mất tiền cao vì khả năng dự án không thể triển khai được.


Điển hỉnh, dự án chung cư Vân Canh của CTCP Bất động sản AZ (AZ Land). Trong đó, từ cuối năm 2009, hàng trăm nhà đầu tư đã nộp tiền mua căn hộ dự án này với giá 14-15 triệu đồng/m2, tuy nhiên đã 3 năm trôi qua hiện dự án vẫn chưa bất động. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã đăng tin rao bán lại các căn hộ tại dự án này với giá chỉ còn 12 triệu đồng/m2 và không tính chênh lệch một đồng nào.


Cũng được chào bán từ năm 2009, một tòa tháp phía Tây Hà Nội dù đã được bán qua tay nhiều chủ đầu tư với giá lúc đỉnh điểm hơn 20 triệu đồng/m2, nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống và chưa rõ ông chủ đích thực của dự án này là ai.


Mới đây, hàng chục nhà đầu tư mua dự án 34 Cầu Diễn, Hà Nội đã bức xúc kiến nghị với các cơ quan chức năng về việc đã bị công ty Quân Thư lừa bán dự án khi chưa đủ thủ tục pháp lý và chưa giải phóng xong mặt bằng. Nhiều khách hàng, sau một thời gian dài trao tiền cho chủ đầu tư với lời cam kết về tiến độ. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm hiện dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.


Hay như dự nhà ở tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội) của Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS Thuận Thành cũng đang bị hàng trăm nhà đầu tư đòi tiền.


Theo đó, từ năm 2010, nhiều người mua nhà đã nộp cho chủ đầu tư từ vài trăm triệu đồng cho tới vài tỉ đồng để mua căn hộ với giá 12 triệu đồng/m2. Ngoài ra, họ còn phải đóng số tiền không có trong hóa đơn hơn 2 triệu đồng/m2. Ước tính chủ đầu tư thu của những người góp vốn khoảng vài trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, đã qua hai năm nhận vốn góp của người mua nhà nhưng đến nay dự án vẫn chưa khởi công…


Đây chỉ là một trong vô số các dự án “đen” trên địa bàn Hà Nội. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do khả năng tài chính của chủ đầu tư không đảm bảo, nếu không muốn nói là không có khả năng để tiếp tục triển khai dự án. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, do thị trường khó khăn và chủ đầu tư đã đầu tư quá dàn trải, khiến tiền thu được của khách hàng không được đổ vào dự án nên tiến độ các dự án kể trên gần như "bất động".


Theo bà Phạm Minh Hằng - Giám đốc công ty BĐS Minh Phú , trong lúc thị trường khó khăn những dự án có pháp lý thấp, chủ đầu tư không có năng lực tài chính đã bị lộ mặt và bị các nhà đầu tư tẩy chay. Thị trường đang dần đi vào ổn định và tính minh bạch của thị trường đã rõ ràng hơn.


Thời gian cũng đã giúp cho nhà đầu tư tỉnh tảo hơn để nhìn nhận lại các hạng mục đầu tư của mình. Lúc này nhiều người đã chợt nhận thấy sự nguy hiểm và nguy cơ mất tiền của mình khi trao cho những người tự xưng là chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp khi không có sự tìm hiểu kiểm chứng.

Bài học về sự thận trọng trong việc tìm hiểu kỹ thông tin dự án trước khi quyết định việc ký kết hợp đồng. Có lẽ đến giờ mới thực sự "ngấm" đối với không chỉ nhà đầu tư mà cả người mua nhà.

Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.