30/08/2020 8:45 PM
Nguồn cung khan hiếm, đầu tư an toàn, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, nhiều khu vực kết nối hạ tầng phát triển... là lý do khiến giá nhà đất vẫn tăng.

Ảnh hưởng dịch bệnh, giá vẫn tăng

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý I, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều không có dự án nhà ở nào được cấp phép mới. Trong quý II, tình hình cải thiện hơn với 8 dự án tại Hà Nội và 4 dự án tại TP. Hồ Chí Minh đủ điều kiện ra hàng. Tuy nhiên, các dự án đều nằm ở phân khúc trung và cao cấp với giá trên 40 triệu/m2, trong khi nguồn hàng không nhiều nên sẽ có khả năng giá vẫn không giảm. Tính riêng phân khúc chung cư, tại Hà Nội, giá tăng khoảng 0,16% so với quý I, còn TP. Hồ Chí Minh tăng 0,25%.

Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh (HoREA), trong tình hình quỹ đất ngày càng hạn chế, khung giá đất tăng, thủ tục pháp lý triển khai bị siết chặt, khiến cho nguồn cung giảm, việc giảm giá nhà trong trung và dài hạn lại là điều khó xảy ra. Nếu đến cuối năm, dịch bệnh được khống chế thì quý IV thị trường sẽ sôi động, lúc ấy giá nhà đất vẫn có xu hướng tăng lên chứ không giảm đi.

Hiện giá BĐS TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm theo HoREA vẫn tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới, tăng trung bình hơn 10%. Còn theo thống kê của CBRE, phân khúc căn hộ hạng sang khu vực trung tâm thành phố tăng 5% trong quý II.

Theo phân tích của ông Nguyễn Duy Thành - Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý Nhà toàn cầu (Global Home): "Trong tình hình dịch bệnh, kinh tế bị ảnh hưởng thì BĐS vẫn là một kênh đầu tư được đánh giá là an toàn, sinh lời tốt. Bởi so với kênh đầu tư vàng thì rủi ro lớn, do thời gian gần đây, vàng tăng trưởng quá nóng dẫn đến biên độ giữa giá mua và bán chênh lệch cao nên không tạo được sự hấp dẫn cho nhà đầu tư. Kênh đầu tư chứng khoán cũng không còn sức hút khi nhiều doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19, doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh, còn gửi tiết kiệm thì lãi suất tiền gửi quá thấp.

Bên cạnh đó, các dự án đủ điều kiện và pháp lý để hình thành không nhiều dẫn đến cung ít, cầu cao nên giá cũng lên cao. Hiện giá nhà tăng khoảng 15%, đất nền còn cao hơn. Đặc biệt, một số khu vực được chấp thuận theo quy hoạch mới thành phố phía Đông cũng bắt đầu "ăn theo" chủ trương nên giá nhà đất cũng tăng.

Cùng với đó là chính sách đẩy mạnh đầu tư công, nhiều hạ tầng giao thông và các khu quy hoạch đô thị, khu công nghiệp... đang có kế hoạch phát triển, các dự án kết nối hạ tầng giao thông và một số tuyến giao thông mới cũng được xây dựng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Long Thành - Bình Thuận, cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây... hoặc cầu Cát Lái nối liền huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai và quận 2 TP. Hồ Chí Minh... Đặc biệt, các công trình hạ tầng như tuyến metro số 1 hoàn thiện năm 2021, Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành đang được triển khai... là nguyên nhân dẫn đến giá nhà đất tăng và nhà đầu tư săn tìm vì tiềm năng giữ giá.

Cũng trong quý II/2020, nhiều báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường cũng cho biết, bên cạnh các dự án nhà, đất nền tại các khu vực tiềm năng và trung tâm, lượng tìm kiếm BĐS công nghiệp tăng cao, nhu cầu tìm kiếm BĐS nhà ở gần các khu công nghiệp (KCN) cũng tỷ lệ thuận. Theo số liệu từ batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm nhà, đất gần KCN Nam Tân Uyên tăng 88%, Đức Hòa tăng gần 92%, Vĩnh Lộc tăng 25% so với quý I, kéo theo nhu cầu đầu tư ở một số phân khúc thậm chí tăng hơn so với giai đoạn trước, đặc biệt tại các tỉnh, thành giáp ranh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bình Dương, Long An... Phó giám đốc batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh cho biết, từ quý II, lượng tin đăng và mức độ quan tâm BĐS tăng vượt trội, nếu Long An, Bình Dương tăng từ 21-54% thì Hòa Bình, Vĩnh Phúc tăng 41-77% nhu cầu tìm kiếm nhà đất so với quý trước.

Giảm giá... để cắt lỗ

Cũng theo các chuyên gia trong ngành, bên cạnh một số khu vực có giá nhà đất tăng thì vẫn có nhiều dự án chung cư được bán với giá giảm, do một số chủ đầu tư lướt sóng, thường mua gom số lượng lớn, chờ thời cơ bán kiếm lời, khi thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, họ phải bán với giá rẻ hơn từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu so với giá bán trước đó để... cắt lỗ.

Theo Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, nhiều người lao động trước đó nhờ hỗ trợ ngân hàng để mua nhà nhưng do bị giảm thu nhập vì Covid-19, không trả được lãi vay ngân hàng nên cũng xin thanh lý hợp đồng mua nhà, tỷ lệ này chiếm trên dưới 10%. Các doanh nghiệp BĐS cũng cho rằng, nhiều người mua nhà khó khăn, mất khả năng thanh toán, thanh lý hợp đồng hoặc không thanh toán đúng như tiến độ và cam kết cũng khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn.

Mặc dù phân khúc nhà ở thương mại tại TP. Hồ Chí Minh đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát trên phạm vi toàn thế giới, kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu của người dân, nhiều rào cản về pháp lý và giấy phép vẫn tồn đọng...

Theo ông Nguyễn Khánh Duy - Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở Savills Việt Nam, khi thị trường đi xuống, đa số nhà phát triển BĐS đều sẽ giữ tâm lý thận trọng do tâm lý không chắc chắn về thị trường, còn các nhóm hay cá nhân đầu tư sẽ khá e dè do việc mua bán tài sản hay dự án đều phải cần một nguồn vốn lớn. Cũng có không ít bộ phận các đơn vị chủ đầu tư phải bán tháo bớt tài sản và các danh mục đầu tư của mình do thua lỗ trong kinh doanh. "Thời điểm khó khăn này, từ một góc nhìn khác, lại là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp hay cá nhân có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư BĐS không chỉ trong và ngoài nước.

Với những chính sách và chủ trương thiết thực nhằm trải thảm đỏ cho các doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam, đây có thể xem là thời điểm vàng dành cho các thương vụ mua bán và sáp nhập cho các dự án BĐS tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, việc nỗ lực triển khai tuyến đường sắt metro của UBND TP. Hồ Chí Minh, đi cùng với việc hoàn thiện triệt để việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quận vệ tinh như quận 9, Nhà Bè, sẽ là một cú huých mạnh mẽ cho việc mở rộng và kết nối các khu độ thị mới, nhằm giảm tải cho các khu vực trung tâm".

  • Bất chấp Covid-19, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng 9%

    Bất chấp Covid-19, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng 9%

    CafeLand - Báo cáo công bố thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2020 của Bộ Xây dựng cho biết, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra những khó khăn tạm thời cho các doanh nghiệp, bất động sản công nghiệp nói chung vẫn thu hút khách thuê, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Ý Nhi (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.