18/08/2014 9:31 PM
Tháng 8 chứng kiến nhiều động thái gắt gao từ cơ quan quản lý đầu ngành xây dựng lẫn Tp.Hà Nội đối với "vấn nạn" trách nhiệm, tuân thủ pháp luật xây dựng của giới tạo lập nhà đất Thủ đô. Tận dụng tối đa sự chớm hồi phục của thanh khoản, niềm tin thị trường để phát triển, bán hàng; DN cũng không thể "quên" chế tài pháp luật đang đè nặng.

Sổ đỏ, trật tự xây dựng, pháp lý dự án… là những điều các "ông chủ" địa ốc đã, đang và sắp chào sản phẩm ra thị trường phải lưu tâm. Sau thời gian "nhờn luật" như nhiều năm qua, liệu sắp tới, sẽ bắt đầu thời kỳ "hà khắc" cho DN BĐS?

"Thẳng mặt chỉ tay"

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, số công trình xây dựng sai phép chiếm tỷ lệ cao, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành như Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Ba Đình. Các lỗi cơ bản là: cố tình xây dựng vượt mật độ, vượt số tầng để thu lợi.

Nổi cộm một số dự án như Tổ hợp trụ sở làm việc, văn phòng và nhà ở do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư (tổ 50 phường Yên Hòa) 17 tầng không phép; N04-B1 Khu ĐTM Cầu Giấy xây không phép; CX1, CX2 KĐT Đông Nam Trần Duy Hưng xây sai quy hoạch… Nguồn tin từ sở này khẳng định, cơ quan chức năng đang đẩy nhanh tiến độ và quyết liệt xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng nổi cộm (còn sai phạm chưa nổi cộm thì chưa rõ số phận - PV).

Thống kê ban đầu, thời gian qua, lực lượng thanh tra sở tại đã kiểm tra 7.653 công trình, trong đó xử lý 1.162 trường hợp vi phạm, trong đó có 642 trường hợp xây dựng không phép, 174 trường hợp xây dựng sai phép… Chế tài cưỡng chế phá dỡ được áp dụng cho 194 trường hợp.

Sắp bắt đầu thời kỳ "hà khắc" cho DN BĐS?

Sở TN&MT Hà Nội cùng UBND các quận, huyện đã hướng dẫn chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn tháo gỡ khó khăn, nhưng đến hết tháng 6/2014, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội mới tiếp nhận, thẩm định 14.139 hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà. Con số này chỉ bằng 35% kế hoạch đặt ra năm 2014.

Chậm cấp sổ đỏ, càng gỡ càng rối

Theo cơ quan chức năng chuyên trách, "nguồn cơn" của tỷ lệ cấp sổ đỏ/sổ hồng nhà ở thương mại trước tiên là chủ đầu tư thiếu trách nhiệm. Không chỉ chậm trễ, có những chủ đầu tư gây khó khăn cho người mua nhà trong việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận: không thanh lý hợp đồng, không xuất hóa đơn VAT, không xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho người mua nhà…

Lý do "khách quan" tiếp theo, thị trường khó khăn nên dự án phải thay tên đổi chủ, điều chỉnh quy hoạch, hệ số quy mô công trình - đòi hỏi hoàn chỉnh lại hồ sơ và kéo dài thời gian thủ tục.

Những "tội" khác của DN còn được sở ngành phân tích rất rõ: chưa làm xong thủ tục pháp lý về đất đai đã mở bán nhà (đương nhiên không đủ căn cứ để cấp Giấy chứng nhận); giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyết định giao đất đứng tên công ty mẹ nhưng xây dựng, bán nhà lại do công ty con thực hiện (khó tách bạch trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan đối với người mua); hay thậm chí trốn thuế (dự án được giao đất xây nhà chung cư miễn tiền sử dụng đất nhưng giá bán vẫn tính cả tiền sử dụng đất mà không nộp trả cho Nhà nước).

Những vi phạm kiểu này buộc phải chờ xử lý xong mới có thể cấp Giấy chứng nhận - việc chậm tiến hành cấp sổ cho người mua lại càng "giậm chân tại chỗ". Đáng nói, trong danh sách 70 DN chậm cấp sổ cho chủ nhân căn hộ, có cả những thương hiệu "mạnh", như HUD hay Handico…

Mới nhất, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội ra "thượng lệnh": sau 20 ngày kể từ khi được Sở TN&MT hướng dẫn và đôn đốc, nếu chủ đầu tư không thực hiện, sở lập danh sách báo cáo UBND Thành phố thanh tra, lập hồ sơ, không giao đất, cho thuê đất ở những dự án khác.

Vấn đề là ở chỗ, với những trường hợp buộc phải xử lý xong mới có thể cấp Giấy chứng nhận như vừa nêu, chiếc gậy quản lý không thể ngay lập tức "giáng" xuống vì phải… chờ hàng loạt các thuộc thanh, kiểm tra từ các cấp, sở, ban, ngành phối hợp thực hiện.

Quản lý, siết chặt kỷ cương pháp luật xây dựng ở địa bàn đặc biệt như Hà Nội, có lẽ đòi hỏi những chế tài đặc thù, "sát sườn" hơn nữa. Nếu không, e rằng càng làm sẽ càng rối như thời gian qua.

Sau tập thể cũ, đến nhà ở xã hội

Cùng thời gian giữa tháng 8, sau khi "đụng" tới vấn đề xây dựng cải tạo tập thể cũ, nhà chức trách Hà Nội cũng phát đi "tối hậu thư" với các chủ đầu tư nhà ở thu nhập thấp, NƠXH trên địa bàn.

Cụ thể, yêu cầu đặt ra với DN là phải cam kết thời hạn khởi công, hoàn thành, công khai tiến độ thực hiện. Cụ thể hóa ý chí chỉ đạo, Hà Nội giao Sở Xây dựng lập kế hoạch thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các dự án NƠXH và thực hiện quy định về giá bán, cho thuê, cho thuê mua, đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà, hợp đồng bán, cho thuê…

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cần giao ban… kiểm điểm định kỳ 3 tháng 1 lần kiểm điểm công tác đầu tư phát triển NƠXH. Đây là nội dung thể hiện trong Thông báo 176/TB-VP của Văn phòng UBND Tp.Hà Nội về kết luận chỉ đạo của ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

Theo ông Tuấn, việc phát triển NƠXH còn một số bất cập: thiếu vốn đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên; huy động nguồn lực để xây dựng nhà ở công nhân còn hạn chế; công tác quản lý vận hành nhà ở công nhân còn yếu kém; một số chủ đầu tư chậm tiến độ dự án…

Ngoài các công cụ chính sách hỗ trợ về tài chính cho chủ đầu tư duy trì, hoàn thành dự án; chế tài (được Sở Xây dựng, Sở Tài chính… đề xuất) áp dụng cho DN "sai tiến độ", câu giờ trong triển khai, chuyển đổi dự án là bị thu hồi.

Đông Hưng (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.