09/01/2020 4:13 PM
Từ ngày 1.1.2020 theo quy định phải có bảng giá đất mới nhưng đến nay bảng giá đất vẫn chưa được ban hành khiến việc làm hồ sơ nhà đất của người dân trên toàn TP.HCM bị ngưng trệ.

Hồ sơ chuyển nhượng, hợp thức hóa nhà đất đang tắc ở các chi cục thuế do không tính được các nghĩa vụ tài chính. Ảnh: Ngọc Dương

Hồ sơ bị “ngâm” ở chi cục thuế

Tại Chi cục Thuế Q.7, từ ngày 1.1 đến nay những hồ sơ liên quan đến chuyển nhượng, hợp thức hóa nhà đất đều bị “tắc” do không thể đóng tiền sử dụng đất, thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân. Những hồ sơ nộp về đây, ngành thuế chỉ có thể nhận chứ không thể giải quyết, bởi đến nay TP.HCM vẫn chưa ban hành bảng giá đất mới áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2024.

Theo ông Trần Đình Quân, Phó giám đốc chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Q.7, các hồ sơ liên quan đến chuyển nhượng, hợp thức hóa nhà đất tại các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận vẫn nhận và xử lý bình thường. Nhưng khi chuyển qua Chi cục Thuế để thực hiện các nghĩa vụ tài chính thì “tắc” vì không có bảng giá đất. “Hiện đã có nhiều người dân phản ánh đến chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai về ách tắc này nhưng chúng tôi cũng chỉ biết giải thích như vậy và hướng dẫn liên hệ với Chi cục Thuế để biết rõ hơn”, ông Quân nói.

Cụ thể như trường hợp ông Mười đang bán căn nhà tại P.Tân Kiểng, Q.7 từ mấy hôm nay đau đầu vì hồ sơ đứng ở cơ quan thuế không được giải quyết, không ra sổ đỏ tên người mua được trong khi mọi thủ tục công chứng, vay ngân hàng đã xong. “Tôi cần tiền nên bán gấp căn nhà. Thế nhưng nay không biết đến bao giờ hồ sơ mua bán nhà của tôi mới hoàn thành. Nếu không ra tên sổ đỏ được cho người mới thì khoản vay mua nhà từ ngân hàng của người mua sẽ bị treo trong tài khoản phong tỏa. Tôi có thể nhìn thấy số tiền nhưng không thể lấy ra dùng, trong khi tôi đang rất cần số tiền này mới phải bán nhà”, ông Mười than.

Không chỉ tại Q.7, hiện toàn bộ các quận huyện khác trên địa bàn TP.HCM những hồ sơ liên quan đến chuyển nhượng, hợp thức hóa nhà đất đều bị ách tắc chung do chưa có bảng giá đất.

Nên có điều khoản chuyển tiếp

Theo ông Nguyễn Như Bình, Trưởng phòng Kinh tế đất, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, tờ trình về bảng giá đất trên địa bàn TP đã được Sở trình cho UBND TP từ ngày 19.12.2019. Mới đây Ban Kinh tế ngân sách, HĐND TP.HCM cũng đã thông qua. Trong ngày 8.1, Thường trực Thành ủy cũng đã họp và dự kiến sẽ sớm thông qua. Khung giá đất của Chính phủ đã ban hành áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2024, với mức tăng chung 20%.

Tuy nhiên, mức giá đất ở mức cao nhất cho các đô thị đặc biệt vẫn giữ nguyên như hiện nay là 162 triệu đồng/m2. Tại TP.HCM, bảng giá đất mới cũng sẽ giữ nguyên các mức giá đã quy định tại Quyết định số 51 năm 2014 và Quyết định 30 năm 2017. Tuy nhiên, trong bảng giá đất mới năm nay sẽ cập nhật thêm một số tuyến đường mới, tuyến đường đã thay đổi tên đồng thời loại bỏ những tên đường, đoạn đường không còn phù hợp. Trong năm 2020 UBND TP sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật để trình HĐND TP cho phép điều chỉnh, bổ sung bảng giá các loại đất cho phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật. "Bảng giá đất sẽ sớm được thông qua, người dân có thể yên tâm về điều này", ông Bình trấn an.

Với phương án giữ nguyên bảng giá đất hiện hành có bổ sung giá đất của một số tuyến đường mới, bảng giá đất mới của TP.HCM không tăng, giá đất ở mức cao nhất trên địa bàn tại các tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi (Q.1) vẫn là 162 triệu đồng/m2.

Để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, theo luật sư Hoàng Thu, Đoàn luật sư TP.HCM, trong quyết định ban hành sắp tới về bảng giá đất cũng nên có một điều khoản chuyển tiếp, quy định rõ điều này. Cụ thể, nếu quyết định cũ hết hiệu lực mà nhà nước chưa ban hành quyết định mới quy định về giá các loại đất thì mặc nhiên có thể áp dụng quyết định cũ, cho đến khi có bảng giá đất mới ban hành. Làm như vậy việc giải quyết hồ sơ nhà đất của người dân sẽ không bị ách tắc ngày nào.

Đình Sơn (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.