Năm 2011, Triển lãm VietBuild về ngành hàng VLXD & BĐS chứng kiến sự ra mắt ấn tượng của một số DN cung ứng, sản xuất sản phẩm nhà container (ứng dụng làm văn phòng, nhà tạm cư, nhà tái định cư).
Bốn năm qua, bên cạnh Công ty CP Hưng Đạo Container nổi lên trong giới làm nghề, thị trường cũng đón nhận những cái tên như Tân Thanh Container, Công ty Nhà tiện ích Descon đang gia tăng hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Doanh nghiệp, người lao động đều cần
Ba năm trước, khi DN Hưng Đạo chuẩn bị tung ra thị trường mẫu nhà lắp ghép container (giá từ 100 - 300 triệu đồng/căn) đã hâm nóng một bộ phận dư luận người nghèo cần nhà lẫn giới chức quản lý.
Đặc biệt, với những người thu nhập thấp, cán bộ công chức hưởng lương Ngân sách đang “vắt óc” tính kế mua nhà, sản phẩm hội tụ đủ các lợi thế: thi công nhanh (10% so với căn hộ thông thường), giá rẻ, an toàn trên nền đất yếu tại nhiều khu vực ở Thủ đô, được bán lại cho đơn vị cung ứng với giá không dưới 50% giá giao dịch ban đầu… hoàn toàn đáng mong đợi.
Thậm chí, ngay cả đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) lúc đó cũng thừa nhận những lợi ích nêu trên. Tuy vậy, PGs.Ts Lưu Đức Hải (nguyên Cục trưởng) vẫn lưu ý vấn đề phổ biến loại nhà đặc thù này tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM sẽ gây tác động tiêu cực tới cảnh quan, quy hoạch nếu “quá đà”.
Quy hoạch kiến trúc đô thị và xây dựng đòi hỏi sự nhịp nhàng phối hợp. Điều này lại chỉ như một viễn cảnh xa vời nếu dõi theo biến chuyển hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan đô thị ở Thủ đô. Một lần nữa, sản phẩm nhà container lại “kẹt” trong hành lang pháp lý tưởng chừng đã thông suốt.
“Chúng ta nên tính tới việc quy hoạch sử dụng loại nhà này trước khi quyết định cho sử dụng tại đô thị, và đặc biệt là lõi đô thị” (trích lời ông Lưu Đức Hải).
Nhà container cũng nằm trong diện phủ sóng của Luật Nhà ở hiện hành (đang sửa đổi và chờ thông qua) quy định diện tối thiểu nhà ở thương mại phải đạt 45m2. Điều này là nguyên nhân dẫn tới tình cảnh sản phẩm nhà container chỉ “mon men” ở chân các công trường lớn, KCN nằm rải rác ở những tỉnh thành trọng điểm như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Cần Thơ… (tập trung các KCN, KCX lớn).
Một mẫu nhà container 40ft do Hưng Đạo phân phối
Ở Thủ đô, container được DN (tại các công trường đang thi công tấp nập như dọc đường Nguyễn Xiển, Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế, Nhật Tân…) tận dụng làm nơi cư ngụ tạm thời cho CNLĐ. Tuy nhiên, đây chỉ là những căn nhà “tạm” đúng nghĩa đen vì quá thô sơ, không có biện pháp chống nóng, chống ồn cho người sử dụng.
Nhưng “thế đã là tốt lắm rồi, còn hơn phải ngủ lán trại giữa tiết trời oi bức, rồi lại mưa như trút ở Hà Nội nhiều ngày qua”, anh Bình, một CNLĐ tại khu vực Cổ Nhuế chia sẻ.
Không riêng “cánh thợ” mới mơ ước được chủ lao động “tậu” cho những căn nhà lắp ghép đúng nghĩa sản phẩm nhà (do chính DN chuyên cung ứng loại nhà này), nhiều đơn vị kinh doanh bán hàng ở quy mô trung bình và nhỏ cũng mong ngóng dạng văn phòng container phổ biến ở những đô thị “đất chật người đông”.
Tiêu biểu, Hà Nội, một địa bàn nổi tiếng về những khu đất bỏ hoang nhiều hec-ta lâu nay gây “mệt mỏi” nhà hoạch định chính sách và giới quản lý hữu quan, ý tưởng tận dụng những khoảng đất quy hoạch treo, thu hồi dự án, đất dịch vụ để xếp những căn hộ, văn phòng container “ngon - bổ - rẻ” trong thời gian xác định là đáng suy ngẫm.
“Chợ ma” nhà container
Tìm hiểu thông qua một số website bán hàng và trao đổi điện thoại trực tiếp một nhân viên của Công ty CP Hưng Đạo - đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm nhà - văn phòng lắp ghép bằng container, mới thấy tình trạng nhiễu thông tin trên thị trường đặc thù này.
Từ khóa nhà container trên công cụ tìm kiếm trả về kết quả chủ yếu liên quan tới website azk.vn. Đây là một trang bán hàng trực tuyến với rất nhiều mặt hàng đủ lĩnh vực từ dân dụng tới công nghiệp: cơ khí chế tạo, vệ sinh công nghiệp, vận tải biển, nông lâm ngư nghiệp…
Tuy nhiên, những thông tin cần thiết về pháp lý DN (tư cách pháp nhân) của đơn vị bán hàng này đều chỉ dừng lại ở số “Tổng đài 19006235”. Ngoài ra, website còn thể hiện rất nhiều chi nhánh DN ở Hà Nội, Đồng Nai, Sài Gòn, Bình Dương, Quảng Trị.
Ở Hà Nội, chi tiết về trụ sở DN là 127 Tựu Liệt, Thanh Trì. Đáng nói, 127 Tựu Liệt đã nổi như cồn trong cộng đồng người tìm việc vì địa chỉ này được được biết là trụ sở của Công ty TNHH SX&TM Window.
Rất nhiều cá nhân đã lên tiếng tố cáo Công ty trên có dấu hiệu lừa đảo khi công bố địa chỉ “ma”, điện thoại lại là số cầm tay dạng “sim khuyến mại”, đồng thời trang web DN chính là azk.vn.
Trở lại với sản phẩm nhà - văn phòng container mà website này chào bán, mức giá công bố của một nhà container văn phòng 40 feet mang thương hiệu Hưng Đạo là… 978.795.588 đồng.
Với thông số kích thước khoảng 12,192 (dài) x 2,438 (rộng) x 2,591 (cao) theo đơn vị mét, loại văn phòng di động này tính ra còn có giá ngang ngửa căn hộ chung cư bình dân (!) ở Thủ đô.
Sự thực về giá cả, pháp lý của website bán hàng trên được phơi bày khi người viết liên hệ trao đổi thông tin với anh Hùng, nhân viên kinh doanh của Công ty CP Hưng Đạo Container.
Đại diện “khổ chủ” sau khi nghe loáng thoáng mức giá gần 1 tỷ đồng/container làm văn phòng đã “giật mình” và khẳng định: “Tốt nhất bạn nên sang văn phòng Công ty để được tư vấn và nhìn thấy container thực tế. Qua trung gian thương mại chỉ thiệt bên bạn thôi. Bên Azk.vn đó là làm thương mại, bạn hãy cancel luôn đi”.
Thiệt hơn cho khách hàng nào thiếu hiểu biết cũng đúng, vì giá phân phối sản phẩm container 40ft “chính chủ” Hưng Đạo chỉ có ngót nghét 100 triệu đồng/căn.