Đây là ý tưởng cách mạng ẩn sau một khái niệm kiến trúc với mục tiêu giải quyết những vấn đề phát sinh từ con sông ô nhiễm Ciliwung ở thủ đô Jakarta (Indonesia).
Ciliwung là con sông lớn nhất trong số 13 con sông chảy qua Jakarta, uốn lượn qua 72 quận của thành phố này. Dọc theo hai bờ sông là hàng loạt khu nhà ổ chuột đổ nát xây dựng bất hợp pháp và khoảng 400 công ty kinh doanh. Từ lâu, các cư dân này đã sử dụng con sông làm nơi đổ rác và lượng rác tăng cao đến mức con sông Ciliwung giờ đây được xếp vào hàng “ô nhiễm nghiêm trọng”.
Bốn kiến trúc sư người Indonesia là Rezza Rahdian, Erwin Setiawan, Ayu Diah Shanti và Leonardus Chrisnantyo đã nghĩ ra phương pháp giúp cải tạo dòng sông. Họ gởi kế hoạch ý tưởng thiết kế “cao ốc chọc trời có chức năng thanh lọc” này đến cuộc thi thiết kế các cao ốc của tập san chuyên ngành kiến trúc eVolo có trụ sở đặt tại Mỹ và đoạt giải nhì.
( click vào ảnh trên để xem kích thước lớn hơn)
Mô hình "nhà chọc trời xanh"
Diah Shanti, một trong số bốn người thiết kế dự án Ciliwung, cho biết: “ Cách xây dựng ngôi nhà chọc trời này được chúng tôi dựa trên ý tưởng thiết kế một chiếc máy xử lý môi trường”.
Trước tiên, nước sông nhiễm bẩn sẽ được chuyển vào cao ốc thông qua một mạng ống dẫn mô phỏng theo hệ thống mao mạch để loại bỏ rác từ nước sông.
Tiếp đó, người ta sẽ cho vào nước một số loại khoáng chất để loại trừ các chất gây ô nhiễm có hại cho sức khỏe. Nguồn nước sản xuất ra an toàn để uống cũng như đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày khác. Sau cùng, rác sinh hoạt sẽ được tái chế thành nước sạch trước khi đổ trở lại vào dòng sông.
Mặt ngoài tòa cao ốc được gắn nhiều máy phát điện sử dụng sức gió để tận dụng nguồn năng lượng thiên nhiên quí giá này. Ngoài ra, một thiết bị hấp thu năng lượng mặt trời khổng lồ đặt trên nóc nhà sẽ cung cấp năng lượng cho các nhu cầu khác của tòa nhà.
Tuy nhiên, muốn trở thành hiện thực, dự án phục hồi sông Ciliwung cần sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ cũng như các nhà đầu tư địa phương.