Họ cho hay trước đây bờ sông nằm cách nhà dân từ 30 m trở lên nhưng hiện nay mép sông đã vào đến nhà.
Bà Bùi Thị Trực (140/4A Đào Sư Tích, ấp 3, xã Phước Kiển) kể sáng 15-7, khu vực phía sau nhà bà sạt lở hơn 100 m2 đất. Tường rào nhà bà bị nứt toác, cái chòi bà dựng để hóng mát bị sụp xuống sông. Hằng ngày bà ở đây để dọn dẹp, trông coi nhà còn đêm phải qua nhà con ngủ vì sợ lở đất trong đêm.
Nhà bà Dương Kim Đê ở trong khu vực cũng gặp cảnh tương tự. Đợt sạt lở hồi tháng 7 khiến cho nhà vệ sinh bị sụp và nhiều kiến trúc phía sau nhà bà trôi sông, hư hỏng nặng.
Bờ sông vào đến nhà khiến nhà vệ sinh của gia đình bà Dương Kim Đê ngã sụp. Ảnh: MQ
Sống bên miệng hà bá, đêm ngày nơm nớp lo sợ nhưng hầu hết các hộ dân đều phải bám trụ vì không biết đi đâu, nhà đất bán cũng chẳng ai dám mua. Có hộ cố đóng kè tràm giữ đất nhưng chỉ được một thời gian, sông tiếp tục nuốt luôn bờ kè.
Ông Tăng Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Phước Kiển (Nhà Bè), cho biết xã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng xây dựng bờ kè để đảm bảo an toàn cho người dân nhưng hiện chưa thấy. Trước mắt, xã cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, nếu có dấu hiệu nguy hiểm thì yêu cầu người dân di dời ngay.
Trao đổi với PV, ông Bùi Hòa An, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, thông tin trước đây khu vực không nằm trong những khu vực sạt lở nghiêm trọng thuộc diện di dời khẩn cấp của TP nên chưa có đề án xây dựng bờ kè. Với tình hình hiện nay, huyện đã đưa khu vực này vào đề án sạt lở của huyện để trình TP xem xét nhằm có hướng xử lý. Dân cư sống ở đoạn sông này rất đông nên nếu có dự án và kinh phí xây bờ kè thì phải xây dài hơn 1 km mới đảm bảo an toàn được. Bây giờ hộ nào muốn thuê nhà nơi khác để ở thì UBND huyện sẽ hỗ trợ tiền thuê. Lãnh đạo huyện cũng sẽ yêu cầu các ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, nếu có dấu hiệu sạt lở thì báo ngay huyện để có hướng giải quyết.