Tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mở rộng lần thứ 24 hôm 24/9 vừa qua, bên cạnh một số cơ sở kinh doanh do người nơi khác đến mở trên địa bàn, sử dụng “đầu gấu” có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, xăm trổ từ ngoại tỉnh đổ về làm cò mồi, ép du khách mua hàng, ăn uống… mà Infonet đã phản ảnh, một vấn nạn khác đối với an toàn xã hội TP Đà Nẵng cũng được Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cảnh báo đến từ các... công trình cao tầng đang thi nhau mọc lên ở khu vực ven biển.
Các công trình cao tầng đang thi nhau mọc lên trên tuyến ven biển Đà Nẵng, trong đó có không ít công trình chứa hàng ngàn căn hộ nho nhỏ! (Ảnh: HC)
Tuyến ven biển Đà Nẵng sắp thành nơi chật chội!
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, hiện đất ven biển Đà Nẵng hầu như đã được người từ Hà Nội, Hải Phòng vào mua hết và bây giờ họ đua nhau làm nhà cao tầng. Đáng chú ý họ không làm 20 – 30 tầng mà toàn nhà 40 – 50 tầng trở lên. “Cao cỡ Trung tâm Hành chính TP hay khách sạn Novotel giờ không ăn thua nữa. Họ đăng ký toàn 40 – 50 tầng trở lên, bây giờ không đủ sức mà cho họ xây!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Các công trình cao tầng từng được xem là điểm nhấn kiến trúc ở khu vực ven biển, sao nay lại khiến Đà Nẵng đau đầu? Theo KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch (Sở Xây dựng Đà Nẵng), tuyến ven biển Đà Nẵng từ bán đảo Sơn Trà đến giáp Quảng Nam được chia làm 2 đoạn.
Về sử dụng đất, từ bán đảo Sơn Trà đến đường Hồ Xuân Hương (khoảng 7km) bố trí một phần cho người dân tái định cư, một phần khai thác đất chia lô, còn lại chủ yếu dành cho các nhà hàng, khách sạn. Đoạn thứ hai (khoảng 11km) kéo tới giáp Quảng Nam chủ yếu bố trí các khu nghỉ dưỡng, biệt thự và căn hộ cao cấp, xen kẽ vào đó là các bãi tắm công cộng.
“Đoạn thứ nhất thiên về hoạt động tắm biển và ẩm thực nên luôn sôi động. Khi mới hình thành tuyến ven biển này, nhiều người có cảm giác mênh mông, thưa vắng. Tuy nhiên giờ đây vào mùa du lịch có thể cảm nhận mức độ tấp nập ở đây đã tới mức cần suy ngẫm. Hiện với con số chừng 4 triệu lượt khách/năm đến Đà Nẵng mà biển đã sắp chật, khi tăng lên 3 – 4 lần trong tương lai thì sao?” – KTS Bùi Huy Trí đặt vấn đề.
Trong các công trình 40 – 50 tầng là hàng ngàn căn hộ nho nhỏ!
Điều đáng quan ngại hơn, theo KTS Bùi Huy Trí: “Không chỉ chen chúc tắm biển rồi chen chúc tắm nước ngọt, chen chúc ăn mà còn tệ hơn nữa là chen chúc đi lại. Có lẽ hiện ít ai hình dung cảnh tắc đường ven biển, nhưng nếu không lo từ bây giờ thì chỉ vài năm tới, hiện tượng này sẽ là chuyện thường ngày. Khi đó cảm giác bức bối, bực bội của “chốn đông người” lại hiển hiện trên những cái cau mày của du khách. Chẳng còn sự thanh thản, yên bình và thương hiệu du lịch Đà Nẵng sẽ bị tổn thương!”.
Ông cho hay, mặc dù chịu áp lực tái định cư và khai thác quỹ đất nhưng trước đây Đà Nẵng chỉ bố trí đất chia lô tại 2 khu vực đầu và cuối đoạn thứ nhất. Nay thương hiệu du lịch biển Đà Nẵng đã nổi tiếng, nhiều nhà đầu tư nhắm tới việc phát triển nhà ở tại khu vực này. Có những dự án du lịch nghỉ dưỡng nay lại xin điều chỉnh công năng từ khách sạn thành căn hộ, biệt thự cho thuê thành biệt thự để ở. Có dự án khu thể thao biển cũng đề xuất xây công trình lưu trú.
“Lại có nhà đầu tư xin xây dựng tổ hợp khách sạn, căn hộ quy mô lớn trên đường Võ Nguyên Giáp. Lô đất chỉ hơn 7000m2 mà sẽ gánh hơn 1.000 căn hộ, tương ứng với khoảng 4000 người cư ngụ. Thử hình dung vào giờ cao điểm, tại vị trí này hàng nghìn người túa ra vào buổi sáng và đổ về vào buổi chiều thì sẽ ra sao? Chưa kể trẻ em đi học ở đâu, vui chơi chỗ nào?” - KTS Bùi Huy Trí cảnh báo.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ còn chỉ rõ, trong các công trình 40 – 50 tầng do chủ đầu tư từ Hà Nội, Hải Phòng… đến mua đất và đăng ký xây dựng toàn là căn hộ nho nhỏ để bán, giá chỉ hơn 1 tỉ đồng, dân trung bình cũng có thể mua. Nếu mua được căn hộ 4 – 5 tỉ thì chất lượng của cư dân ở đó khác, còn với căn hộ chừng 1 tỉ, dân Đà Nẵng tái định cư không mua nổi, trong khi dân “ngoài đó” vào mua vô tư.
Và những hệ lụy khó lường đối với trật tự an toàn xã hội
“Tình trạng trên sẽ khiến dân số Đà Nẵng, nhất là dân số chất lượng không cao có nguy cơ tăng lên không kiểm soát được. Mấy ổng làm nhà cao tầng, mình thấy thế là ưng rồi, kêu đó là điểm nhấn. Nhưng thật ra sẽ trở thành những vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đó là sẽ nơi cung cấp lượng lớn dân số chất lượng không cao. Chưa kể họ còn kéo theo con cháu rồi nhiều thứ phức tạp nữa làm cho Đà Nẵng càng ngày càng khó giải quyết để giữ được thương hiệu. Vì vậy ngành xây dựng TP phải nghiên cứu lại vấn đề quy hoạch!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Theo ông, hiện có nhiều nguồn nhập cư đến sinh sống, làm ăn, kinh doanh tại Đà Nẵng. Nói chung, tình trạng đang khá nóng lên là bảo kê, cho vay nặng lãi, kinh doanh theo kiểu “chặt chém”, khống chế để ép giá, và nhiều cách thức kinh doanh không giống với sự chân chất của người Đà Nẵng, Quảng Nam…
Tình trạng ma túy tuy lực lượng công an rất nỗ lực nhưng cái đã phát hiện, triệt phá chưa phản ảnh hết thực trạng đang tồn tại ngoài xã hội. Vấn đề trật tự, an toàn giao thông cũng vậy, số người chết tăng lên. Bắt đầu xuất hiện nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm, chở năm, chở ba lạng lách chạy ào ào…
“Trước đây không có, bây giờ có rồi đó. Đó là những dấu hiệu cho thấy cần phải siết lại để giữ vững thương hiệu. Phải làm cho ngày càng tốt hơn chứ không thể ngày càng tệ đi được. Thực sự chúng tôi đang lo sợ thương hiệu Đà Nẵng bình yên bị tổn thương. Sologan của Đại hội Đảng bộ TP sắp tới có “bình yên”, nhưng để giữ được cái đó không phải dễ. Cùng với tính toán lại vấn đề quy hoạch thì rất cần lực lượng cảnh sát thật mạnh mẽ để bảo đảm được điều này!” – ông Huỳnh Đức Thơ bày tỏ.