01/08/2012 10:07 PM
Rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách mà chính từ ngân sách “mềm” Chính phủ chi trả cho những thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước.

Đây là cảnh báo được đưa ra trong Báo cáo “Nợ công Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lại” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nghiên cứu soạn thảo.

Nguy cơ từ ngân sách “mềm”

Theo nhóm tác giả, tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của Việt Nam chiếm khoảng 58,7% GDP, mức cao hơn nhiều so với mức 36% GDP vào năm 2001 và 44% vào năm 2005.

Còn đánh giá của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), mức nợ công của Việt Nam mặc dù đã vượt qua ngưỡng tâm lý 50% GDP nhưng vẫn nằm trong ngưỡng an toàn về trung hạn. Cùng đó, mới đây trong Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/7 thì nợ công của Việt Nam sẽ không quá 60% GDP.

Rõ ràng, thời điểm này Việt Nam vẫn có thể hoàn toàn yên tâm vì con số nợ công của mình.

Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách mà chính là từ những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

“Rất có thể Chính phủ sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả cho những khoản nợ xấu này, đây mới là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công Việt Nam”, nhóm tác giả cảnh báo.

Trong Đề án tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính, con số nợ trong nước của khu vực DNNNchiếm xấp xỉ khoảng 16,5% GDP. Nếu tính đến con số này thì nợ công Việt Nam đã vượt xa so với ngưỡng an toàn 60% GDP.

Trên danh nghĩa, Chính phủ chỉ bảo lãnh một số DNNN vay nợ nước ngoài, còn toàn bộ các khoản tín dụng trong nướcthì DNNNphải tự vay tự trả.

“Tuy nhiên, thông qua các hình thức: bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ..những khoản ngân sách “mềm” này cuối cùng đều sẽ khiến chi tiêu ngân sách tăng”, báo cáo cho biết.

Cổ phần hóa triệt để

Với những giả định được đưa ra, nhóm tác giả đặc biết chú ý đến trường hợp thâm hụt ngân sách cơ bản tăng mạnh lên mức 3% GDP. Khi đó, tỉ lệ nợ công/GDP sẽ lần lượt cán mốc 77,9%, 84,5% và 91,6% tương ứng với các kịch bản tốt, trung bình và xấu. Đây sẽ là nguy cơ khủng hoảng nợ công xảy ra là rất rõ ràng trong mọi kịch bản của nền kinh tế.

Do vậy, muốn duy trì tỷ lệ nợ công ổn định, ngoại trừ việc gây lạm phát cao, Chính phủ cần phải duy trì được cán cân ngân sách cơ bản cân bằng. Trong điều kiện tỷ lệ thu/GDP đã ở mức rất cao như hiện nay, điều này chỉ có thể thực hiện bằng các chương trình cắt giảm chi tiêu công.

Cùng đó là một số giải pháp như: Thành lập Ban quản lý nợ công thuộc Ủy ban Ngân sách/Kinh tế Quốc hội; thiết lập một hệ thống cách chỉ tiêu về an toàn nợ; thực hiện hạch toán nợ theo chuẩn mực quốc tế; phát triển thị trường nợ cũng như cải cách hệ thống thuế.

Riêng với DNNN, báo cáo cho rằng, cùng với việc phân loại các doanh nghiệp trong lĩnh vực anninh-quốcphòng, với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thu lợi nhuận thì việc giảm quy mô và số lượng của đối tượng doanh nghiệp này thông qua quá trình cổ phần hóa triệt để là cần thiết. Điều này sẽ tạo điều kiện bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân tham gia trên tất cả các thị trường.

Ngoài ra, để đánh giá những rủi ro tiềm ẩn đối với nợ công thì các báo cáo tài chính, nợ và phân loại nợ cũng phải được khối doanh nghiệp này công khai báo cáo thường xuyên./.

Theo Tổ Quốc
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.