20/07/2011 1:04 AM
Nhiều dự án phân lô bán nền, huy động vốn tràn lan tạo nên nguồn cung ảo trên giấy, gây nhiễu loạn thông tin dự án trên thị trường.
Đó là một nội dung trong báo cáo tổng kết về tình hình thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2011 được Bộ Xây dựng công bố sáng 19/7.

Thời gian qua, thị trường BĐS trầm lắng do những khó khăn về tín dụng và do cơ cấu sản phẩm BĐS chưa hợp lý.

Cụ thể, phân khúc căn hộ, nhà chung cư vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong các dự án phát triển nhà ở đô thị. Chủ đầu tư mới tập trung vào đầu tư BĐS cao cấp mà chưa quan tâm tới phân khúc căn hộ diện tích nhỏ, giá trung bình, dẫn tới hiện tượng bão hòa ở mảng chung cư cao cấp. Từ đây góp phần gây ra hiệu ứng lây lan sụt giảm ở các mảng thị trường khác.

Nguồn cung ảo gây nhiễu thị trường bất động sản

Theo báo cáo, cả nước hiện có 913 sàn giao dịch BĐS đăng ký hoạt động song hiện tượng "làm giá", thu chênh, không công khai thông tin của các sàn vẫn chưa được kiểm soát.

Mặc dù các sàn giao dịch BĐS đi vào hoạt động đem lại diện mạo mới cho thị trường, tác động làm thay đổi dần tập quán giao dịch cũ của người dân song cơ quan đầu ngành xây dựng thừa nhận, những bất cập còn tồn tại và chưa kiểm soát hết được từ hoạt động giao dịch này đã và đang gây dư luận không tốt trong xã hội.

Việc cấp phép phát triển dự án tại địa phương còn dễ dãi, ồ ạt, thậm chí nhiều địa phương cấp phép dự án nhà ở với quy mô lớn tại những nơi chưa có hạ tầng kỹ thuật và xã hội đủ điều kiện phục vụ cho những nhu cầu tối thiểu về nhà ở.

Một hạn chế khác cũng được nêu ra trong báo cáo lần này là, lợi nhuận kinh doanh BĐS đứng ở mức rất cao dẫn tới nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, trong đó phải kể tới một bộ phận doanh nghiệp không có kinh nghiệm và năng lực tài chính, khiến dư nợ cho vay của ngân hàng đối với BĐS tăng mạnh.

Đối thị trường BĐS tại TP.HCM, báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2011, TP.HCM đã cấp 17.000 giấy phép xây dựng mới và sửa chữa, tăng 13% so với cùng kỳ. Việc xây dựng, sửa chữa trong dân vẫn ổn định nhưng riêng các dự án lớn thì giảm đáng kể, khoảng 50%.

Nguyên nhân do những khó khăn về tín dụng, do giá điện, nhiên liệu chi phí đầu vào khá cao nên các nhà đầu tư phải tính toán lại hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, Bộ Xây dựng cũng đã thành lập 14 đoàn thanh kiểm tra tại một số bộ, ngành và địa phương, qua đó đề nghị giảm trừ, quyết toán trên 14 tỷ đồng, đề nghị các chủ đầu tư thu hồi trên 8 tỷ đồng đã thanh toán sai, thu hồi nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ để xử lý trên 1,7 tỷ đồng.

Các sai phạm, thiếu sót được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra chủ yếu liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh một số đồ án quy hoạch xây dựng; mẫu giấy phép xây dựng chưa đúng quy định. Sai sót trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán; thi công chưa đúng với thiết kế được duyệt; nghiệm thu, thanh quyết toán chưa đúng quy định.

Qua kiểm tra 128 sàn giao dịch bất động sản, 73 phòng thí nghiệm, có 24 sàn giao dịch và 43 phòng thí nghiệm đã có vi phạm chủ yếu là về thủ tục hành chính như cơ cấu tổ chức của một số sàn chưa phù hợp với nội dung hoạt động, diện tích sử dụng để giao dịch chưa đủ. Một số sàn không treo biển hiệu, một số phiếu kết quả thí nghiệm không có chữ ký của trưởng phòng thí nghiệm và của tư vấn giám sát của chủ đầu tư…
Theo Châu Anh (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.