Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa cho biết đã tiến hành cuộc khảo sát nhanh về tốc độ tăng giá bất động sản trong chu kỳ 3 năm sốt đất và một thập niên gần đây.
Theo đó, trong 3 năm cơn sốt đất lan rộng cả nước 2016-2018, người dân không kịp tạo ra dòng tiền tích lũy để mua bất động sản vì tốc độ kiếm tiền quá chậm so với các đợt tăng giá đất. Trong ba năm qua, giá đất tăng thấp nhất 1,5-2 lần và cao nhất 3-4 lần, nếu lấy trung bình là tăng gấp đôi. Trong giai đoạn này, nếu người Việt tiết kiệm và chỉ trông đợi tăng thu nhập để mua nhà đất thì giấc mơ sở hữu bất động sản là không tưởng.
Chuyên gia này đánh giá, đa số người Việt sở hữu được bất động sản giai đoạn 2016-2018 đều ở hình thức chuyển đổi dòng tiền từ kinh doanh, sản xuất, đầu tư tài chính... sang nhà đất. Trường hợp cá biệt, giới đầu cơ bất động sản dễ dàng sở hữu, hoán đổi tài sản trong điều kiện sốt đất nhờ tích lũy dòng tiền nhanh đột biến.
Thị trường bất động sản TP HCM dọc theo tuyến metro. Ảnh: Hữu Khoa
Khảo sát này cũng chỉ ra trong vòng 10 năm qua, tức giai đoạn 2009-2019, giá trị mỗi m2 đất tăng trong ngưỡng 4-10 lần tùy vào từng khu vực. Đây cũng là chu kỳ đặc biệt chứng kiến sự biến thiên mạnh mẽ của thị trường khi diễn ra đầy đủ sắc thái từ nguội lạnh đến nóng sốt và giảm tốc.
Tốc độ tăng giá 4-10 lần trong một thập niên bị khuyến cáo là thiếu bền vững và tích tụ bong bóng giá. Tuy nhiên, nghịch lý vẫn diễn ra khi các mặt bằng giá mới cao ngất ngưởng, liên tục lập đỉnh mới lại được thị trường chấp nhận.
Ông Nghĩa cho biết, trên thực tế, bong bóng giá nhà đất có mối liên hệ đặc biệt đến đà giảm tốc của bất động sản năm 2019. Đây là một phép thử sức bền toàn thị trường. Nếu bong bóng giá bất động quá lớn và liên tục phình to, có thể để lại nhiều hệ lụy.
Đầu tiên là cơ hội sở hữu bất động sản của người dân ngày càng hẹp dần, gây căng thẳng xã hội. Kế đến bong bóng giá bất động sản kìm hãm sự phát triển của các ngành sản xuất. Ngoài ra, bong bóng giá bất động sản còn đẩy chi phí mặt bằng leo thang, ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa và dịch vụ, khiến nền kinh tế phát triển không đồng đều.
2016-2018 được xem là giai đoạn sốt đất mạnh nhất trong một thập niên gần đây. Các điểm nóng xuất phát từ TP HCM rồi lan ra các tỉnh lân cận. Giai đoạn này, sốt đất cũng diễn ra ở các địa bàn được quy hoạch đặc khu kinh tế.
-
Đầu tư vào dự án nào để cho người nước ngoài thuê?
Theo thống kê của CBRE, thị trường bất động sản cao cấp và hạng sang ở TP.HCM có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư đến từ Châu Á.