Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, việc người nước ngoài được mua nhà là một tiềm năng nhưng để nói rằng họ tạo ra cú bùng nổ cho thị trường bất động sản thì chưa có, các nhà đầu tư kinh doanh BĐS không nên quá kỳ vọng…

Từ khi Luật kinh doanh Bất động sản có hiệu lực với quy định người nước ngoài được phép mua nhà ở Việt Nam đã khiến nhiều chủ đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ thêm một nguồn cầu, một lượng khách hàng đáng kể.

Giám đốc điều hành CBRE, ông Richard Leech cho hay, ngay từ khi quy định có hiệu lực, người nước ngoài ngay lập tức có sự quan tâm tới thị trường bất động sản ở Việt Nam, nhất là ở TP Hồ Chí Minh. Thống kê ban đầu của đơn vị này cho thấy, trong tổng số lượng căn hộ bán được ở TP. HCM có khoảng 20% người nước ngoài muốn mua hoặc đã trả tiền đặt cọc.

Riêng tại CBRE, có khoảng 50% số lượng hàng bán được là cho người nước ngoài mua, trong đó có khách hàng đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… họ quan tâm đến khả năng sinh lời của bất động sản từ việc mua đi bán lại hoặc cho thuê lại.

Theo chuyên gia, việc người nước ngoài được mua nhà là một tiềm năng nhưng để nói rằng họ tạo ra cú bùng nổ cho thị trường bất động sản thì chưa có. (Ảnh: Minh Thư)

Tuy nhiên, ông Richard Leech cho rằng, từ khi quy định có hiệu lực mới chỉ vài tháng thì khó có người nước ngoài nào có thể sở hữu được căn nhà ở Việt Nam vì quá trình từ lúc đặt cọc đến lúc hoàn thiện hợp đồng mua bán, nhận nhà và có giấy chứng nhận sở hữu nhà mất khá nhiều thời gian.

Còn theo chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, tổng số người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đến thời điểm tháng 11/2014 khi Luật Nhà ở được thông qua thì toàn quốc đã có hơn 500 trường hợp người nước ngoài đủ điều kiện mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Từ 1/7/2015, có khoảng 8 trường hợp người nước ngoài được cấp sổ đỏ nhưng đó là chủ quyền mua theo kiểu cũ chưa có thủ tục mới.

Về thủ tục mới, Chính phủ mới ban hành Nghị định 76 hướng dẫn hợp đồng mẫu nhưng thời gian có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/11/2015. Hiện có 500 trường hợp đang chờ để hoàn tất chủ quyền.

Đánh giá về các chủ trương “nới” hết cỡ cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, ông Châu cho hay, với nước ta người nước ngoài chỉ cần nhập cảnh hợp pháp thì được mua dự án nhà ở thương mại trong nước. Người nước ngoài được mua tất cả các loại nhà biệt thự, nhà phố, nhà chung cư trong tất cả các dự án nhà ở thương mại, kể cả phân khúc trung bình chứ không chỉ cao cấp… Đó là những chính sách thoáng hơn nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, theo ông Châu, việc hạn chế số lượng theo quy định như không được quá 30% số lượng căn hộ toà nhà, không được mua quá 250 căn nhà trong một dự án đơn vị hành chính cấp phường… là hạn chế không phù hợp với một số đô thị như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số vùng tập trung nhiều người nước ngoài.

Đánh giá về nguồn khách hàng này, liệu có tác động mạnh đến thị trường bất động sản thời gian tới? Ông Châu nói thẳng: Người nước ngoài là một tiềm năng của thị trường BĐS nhưng để nói rằng họ tạo ra cú bùng nổ của thị trường này thì chưa có và ông cho rằng, các nhà đầu tư kinh doanh BĐS không nên quá kỳ vọng.

“Người Á Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc họ có tâm lý sở hữu nhà nhưng người Châu Âu và Châu Mỹ, Nhật Bản họ thích thuê nhà, đừng ảo tưởng họ sẽ thích mua. Vấn đề là sản phẩm của chúng ta đáp ứng yêu cầu những cái chuẩn, những cái phong cách tập quán của từng kiều dân, giá cả hợp lý.

Ví dụ người Nhật mua 30% số lượng nhà tại một dự án nhưng họ muốn cho người Nhật thuê chứ không cho người nước khác thuê thì chủ đầu tư cần hướng đến 70% sản phẩm còn lại cũng cho thuê”, ông Châu phân tích.

Một vấn đề khác có lẽ cũng khó “hút” khách nước ngoài nhiều được ông Châu nêu ra, đó là chúng ta chưa đáp ứng được là vấn đề thanh toán. Ở nước ngoài, phương thức thanh toán rất dài, thậm chí 15 năm trở lên. Hàng tháng người ta chỉ phải trả vài ngàn USD để mua nhà nhưng tiền cho thuê cũng đạt 1.500 USD rồi. Trong khoảng 10 - 15 năm, nó sẽ trở thành sở hữu của người mua nhà.

Việt Nam thường thanh toán số tiền lớn, một cục trong khi họ thích trả mỏng và dài hạn. Vì thế, theo ông Châu, các doanh nghiệp BĐS Việt Nam cũng cần đáp ứng nhu cầu này của người nước ngoài cũng như Việt kiều.

Minh Thư (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.