12/11/2016 9:01 AM
Đầu tư một căn nhà có mức giá vừa phải để ở hoặc cho thuê là nhu cầu của một lượng lớn người ngoại tỉnh (không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội) đang học tập và làm việc trên địa bàn Thủ đô. Trên thực tế, việc này là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản. Nhưng dưới góc độ xã hội, làn sóng người nhập cư sẽ tạo nên những áp lực không nhỏ về hạ tầng đô thị.
Lượng người ngoại tỉnh mua nhà, sinh sống tại Hà Nội gia tăng đã tạo thêm áp lực ngày càng lớn cho Thủ đô trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giao thông. Ảnh: Khánh Huy
Nhà ở đô thị rộng cửa với người ngoại tỉnh
Thời gian qua, với những tín hiệu ấm lên của nền kinh tế đã khiến nhiều người dân quyết định đầu tư vào nhà, đất, qua đó góp phần giảm lượng tồn kho tại các dự án bất động sản. Thêm vào đó, quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất… trên địa bàn TP Hà Nội khá mở, không yêu cầu cá nhân sở hữu nhà phải có hộ khẩu tại Hà Nội, nên cũng khiến nhiều người ngoại tỉnh có thêm quyết tâm sở hữu một căn hộ tại Hà Nội. Không chỉ những công chức làm việc tại các cơ quan, công sở, nhiều gia đình ở ngoại tỉnh có con theo học tại các trường đại học ở Hà Nội cũng đầu tư một căn hộ chung cư để phục vụ nhu cầu học tập của các con.
Sinh sống và làm việc tại Hà Nội gần 10 năm, anh Dương Tuấn Anh, quê Bình Thuận, đã quyết định dành toàn bộ khoản tiền tiết kiệm sau gần 10 năm làm việc tại Hà Nội để mua một căn hộ tại nhà T9, Khu đô thị Times City (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng). “Giá nhà chung cư thời điểm chúng tôi mua khá cao, khoản tiền tiết kiệm cũng không đủ để thanh toán hết tiền mua nhà, vợ chồng tôi đã quyết định vay ngân hàng, trả góp vốn và lãi vay hằng tháng bằng thu nhập từ tiền lương để chấm dứt cảnh phải thuê nhà trọ, vừa tốn kém, vừa không bảo đảm tương lai cho các con” - anh Tuấn Anh chia sẻ.
Hay như trường hợp anh Phạm Việt Hoàn, quê Chí Linh, Hải Dương cho biết, sau khi con gái lớn học năm thứ 2 Trường Đại học Kinh tế quốc dân, con gái thứ hai trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng, gia đình anh đã quyết định mua một căn hộ tại khu tập thể Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) để các con tiện việc học hành. Nhà có 2 con gái trọ học xa là bài toán nan giải bởi việc ăn, ở, học tập của các con sẽ khó lòng bảo đảm khi vắng bố mẹ, nên quyết định mua nhà ở Hà Nội coi như một khoản đầu tư lâu dài, bền vững của gia đình.
Sau khi nghỉ hưu và dành dụm được một khoản tiền sau hàng chục năm công tác, ông Nguyễn Văn Pho, quê Thái Bình quyết định mua một căn hộ tại khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình) để cho thuê. “Gia đình tôi đã có nhà cửa rộng rãi ở quê, không có nhu cầu nhà ở. Nhưng đầu tư một căn nhà chung cư tại Thủ đô để cho thuê sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định trang trải các chi phí gia đình sau khi nghỉ hưu. Điều tôi phấn khởi là các thủ tục mua, bán đơn giản, thuận tiện, không gặp bất cứ trở ngại nào” - ông Nguyễn Văn Pho chia sẻ.
Áp lực cho đô thị
Giá cả phù hợp khiến căn hộ chung cư tại Hà Nội được nhiều người ngoại tỉnh quan tâm. Ảnh: Quang Minh
Hiện nay, Hà Nội có khoảng trên 7,38 triệu nhân khẩu, trong đó có gần 70.000 hộ và 720.000 nhân khẩu tỉnh ngoài tạm trú. Tính trung bình mỗi năm, dân số TP Hà Nội tăng khoảng hơn 200.000 người, trong đó có tới hơn 1/3 là người dân ở các địa phương khác về nhập cư. Thêm vào đó, còn một lượng không nhỏ người dân sinh sống ở các tỉnh lân cận nhưng có sở hữu nhà tại Hà Nội. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không kiểm soát tốt thì theo đà phát triển như hiện nay, tình trạng này sẽ gây áp lực ngày càng lớn cho Hà Nội trên mọi lĩnh vực.
Tại Đại hội Hiệp hội Các đô thị Việt Nam vừa diễn ra đầu tháng 11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định, một trong những bất cập của các đô thị hiện nay là xu hướng tập trung hóa đô thị, phát triển thiếu cân bằng, chênh lệch giữa các vùng miền. Tình trạng này đã tạo ra các dòng dịch chuyển dân cư, từ đó gây áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, các dịch vụ thiết yếu như nhà ở, y tế, giao thông, giáo dục…
Trên thực tế, điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ công của thành phố như giáo dục, y tế, giao thông… khó có thể đáp ứng kịp với số lượng người nhập cư ngày càng tăng. Ngoài ra, dù có cố gắng thì cũng không có đủ kinh phí để cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như tăng khả năng cung ứng dịch vụ công để đáp ứng yêu cầu về biến động dân cư hằng năm lớn như vậy.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nếu không có giải pháp phù hợp thì bên cạnh các khu nhà chọc trời sẽ xuất hiện những khu “ổ chuột" và không thể có văn minh đô thị. Để thị trường bất động sản dành cho mọi người dân, các sản phẩm bất động sản đến được với người dân, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp để phát triển nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, song song đó, các ngành chức năng phải có các giải pháp tổng thể, phân bố hài hòa các đô thị trên cả nước, tránh tình trạng tập trung quá đông dân số tại một vài đô thị; chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành để đô thị phát triển theo hướng xanh, sạch, bền vững.
Hương Ly (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.