Rất nhiều dự án bất động sản ngưng trệ vì thiếu vốn - Ảnh: Trung Hiếu
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea), hy vọng nếu làm tốt sẽ có khoảng 20-30% dự án ở TP.HCM sẽ được cứu sống.
Vào thế buộc phải đóng
Theo đúng cam kết, tháng 6.2012 là thời điểm dự án căn hộ Mỹ Phú (quận 7, TP.HCM) do Công ty cổ phần đầu tư dầu khí Mỹ Phú làm chủ đầu tư phải hoàn thành và giao cho khách hàng. Nhưng từ đó đến nay, dự án vẫn còn đang dở dang và chủ đầu tư phải nhiều lần trễn hẹn với khách hàng.
Trước đó, theo thỏa thuận, để mua căn hộ Mỹ Phú, khách hàng phải đóng trước 70% số tiền mua nhà, số tiền 25% sẽ đóng khi chủ đầu tư giao nhà cho người mua và 5% còn lại sẽ đóng khi bàn giao giấy tờ nhà. Đến thời điểm này, Công ty Mỹ Phú đã thu của khách hàng số tiền gần 260 tỉ đồng.
Ông Vũ Khắc Hảo, đại diện nhóm khách hàng mua nhà Mỹ Phú, cho hay sau nhiều lần thất hẹn và bị khách hàng kéo đến trụ sở công ty đòi nhà, đại diện Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland - công ty mẹ của Công ty Mỹ Phú) thừa nhận hiện gặp nhiều khó khăn về vốn để hoàn thành dự án.
Mới đây, tại cuộc họp với đại diện khách hàng mua nhà, Petroland và Công ty Mỹ Phú đã đưa ra phương án hiện có một ngân hàng đã đứng ra cho vay để chủ đầu tư lấy tiền mời nhà thầu vào thực hiện dự án. Đổi lại, số tiền 30% thay vì đóng sau khi giao nhà thì nay người mua phải đóng khi dự án đang thực hiện. Ngân hàng sẽ đứng ra thu số tiền này và cùng với khách hàng giám sát tiến độ dự án thay vì phó mặc cho chủ đầu tư như trước.
Ông Hảo cho biết việc thuyết phục khách hàng tiếp tục đóng 30% tiền mua nhà không phải là điều dễ dàng bởi chủ đầu tư đã nhiều lần làm mất niềm tin đối với khách hàng. Ngoài ra, không phải ai cũng có đủ tiền để đóng theo phương án của chủ đầu tư đưa ra.
Tuy nhiên, vị đại diện này cho hay phương án đóng tiền và cùng với ngân hàng giám sát tiến độ dự án là phương án khả thi nhất trong lúc này. Việc đóng tiền không chỉ để cứu dự án, cứu chủ đầu tư mà còn cứu luôn khách hàng bởi hơn một năm nay, với lý do thiếu vốn, dự án không được triển khai.
“Hơn một năm qua, người mua nhà rất mệt mỏi, bỏ công ăn việc làm đi đòi nhà. Chủ đầu tư đúng là không có tiền thật. Hiện đã có khoảng 1/3 khách hàng đồng ý đóng thêm tiền. Chúng tôi chỉ chờ phía ngân hàng đồng ý bằng văn bản sẽ tiếp tục thuyết phục số khách hàng còn lại. Giờ mà làm căng thì cuối cùng mình là người chịu thiệt nhất. Thôi thì mình chịu thiệt một chút để hoàn thành dự án. Ai cũng sẽ có nhà để ở”, ông Hảo nói.
Tương tự, dự án chung cư Đại Thành (Tân Phú, TP.HCM) do Công ty TNHH Đại Thành làm chủ đầu tư sau nhiều lần chậm trễ đã được các bên đưa ra phương án khách hàng sẽ đóng thêm tiền để đẩy nhanh tiến độ dự án. Số tiền này được đóng ở ngân hàng và sẽ được giải ngân cho công trình khi nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ thi công với sự giám sát của ngân hàng, chủ đầu tư, khách hàng…
Trước đó, ở Hà Nội, một số dự án mà chủ đầu tư thiếu vốn cũng đã có phương án khách hàng đóng thêm tiền để có vốn tiếp tục hoàn thành dự án giao nhà cho khách hàng.
“Cứu được 20-30% dự án”
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Horea, cho hay muốn việc “cứu” dự án khả thi thì nhà đầu tư, khách hàng và ngân hàng cùng ngồi lại phân tích cụ thể những vấn đề liên quan đến dự án.
Cụ thể nhất là dự án đã bán được bao nhiêu? Nếu bán được 80-90% thì khả năng còn cứu được chứ mới bán 40-50% dự án thì rất khó cứu.
Ngoài ra, các bên cũng cần làm rõ chủ đầu tư còn bao nhiêu tiền, nợ bao nhiêu, muốn hoàn thiện công trình cần bao nhiêu tiền, khả năng khách hàng đóng được bao nhiêu để có phương án khả thi nhất.
“Phân tích càng cụ thể càng tốt bởi có dự án có người đóng 80-90% số tiền nhà nhưng cũng có người chỉ đóng 40-50% số tiền. Việc thống nhất sẽ rất khó nếu dự án rơi vào tình trạng này bởi người đóng nhiều có thể đồng ý nhưng với người đóng ít rất khó chấp nhận bởi số tiền phải đóng quá nhiều mà kết quả chưa biết ra sao. Ngay như dự án Đại Thành đến nay mới chỉ có 50% khách hàng đồng ý đóng tiền vì không tìm được tiếng nói chung”, ông Đực phân tích.
Khẳng định phương án khách hàng đóng thêm tiền để cứu dự án không hề giản đơn nhưng vị Phó chủ tịch Horea cũng cho rằng đây là một trong những biện pháp có tính khả thi đối với những dự án ngưng trệ trong lúc này.
Ông Đực cho hay hầu hết các dự án bất động sản ở TP.HCM đều gặp tình trạng thiếu vốn nhưng chỉ có khoảng 20-30% dự án có khả năng cứu được. Số còn lại rất khó cứu bởi các dự án đều đi theo phân khúc cao cấp với giá bán từ 20-30 triệu đồng/m2 trở lên, diện tích từ 100 m2 trở lên nên rất ít khách hàng có khả năng mua.
“Cần phải lập ra một ban tư vấn về luật, xây dựng để có hướng giải quyết cụ thể. Nếu dự án còn nhiều khả năng cứu được thì nên cứu, còn không nên cho nó chết đi chứ không nên cố cứu. Cùng lắm là bán dự án rồi lấy tiền trả lại cho khách hàng”. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM |