Đi rồi bao giờ được trở về?
Đó là câu hỏi của cư dân sống tại tòa nhà G6A Thành Công (Ba Đình, Hà Nội). Chung cư này gồm 3 đơn nguyên, xây gạch cao 5 tầng, đứng đầu bảng về mức độ nguy hiểm (mức độ nguy hiểm xếp loại D).
Cảnh sập sệ ở chung cư B1 Văn Chương
Trải qua hơn 30 năm tồn tại, đến nay, tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Bằng mắt thường cũng có thể nhận ra, tòa nhà này đang bị nghiêng khi phần tiếp giáp giữa hai nguyên đơn của tòa nhà ngày càng tách xa nhau theo hình chữ V. Một vài chỗ tường bị bong tróc từng mảng vữa, lộ ra những khung sắt hoen rỉ. Trên tường xuất hiện không ít vết nứt kéo dài cả mét.
Những bức tường ẩm mốc bị phồng rộp hoặc rất xốp, chỉ lấy tay đập hay hẩy nhẹ là từng mảng vữa bị bong tróc. Những chuồng cọp cái nhô ra, cái thụt vào vây kín xung quanh tòa nhà càng làm cho khu chung cư thêm nhếch nhác, bức bí.
Bà Nguyễn Trúc Long, phòng 208 cho biết, gia đình bà sống ở chung cư này đã 20 năm, thấy tòa nhà ngày càng xuống cấp với những vết nứt, vết bong tróc xuất hiện ngày một nhiều với mức độ ngày một nghiêm trọng, bà cũng thấy lo lắng cho sự an nguy của các thành viên trong gia đình.
“Thời tiết nồm ẩm ướt như thế này, sống trong nhà chật chội, bí bách ẩm thấp dễ ốm lắm. Thế nhưng đang ở nơi trung tâm như thế này, mọi thứ thuận tiện, con cháu chỉ vài bước chân là tới trường, muốn mua sắm gì cũng tiện. Nếu đến nơi tạm cư thì có phải đi xa quá không? Đi bao lâu thì được trở về? Chúng tôi lo sợ nhất là tạm cư đã tạm bợ lại phải kéo dài thì khổ lắm. Như người dân tại chung cư C1 - tập thể Thành Công hay tòa nhà B6 Giảng Võ đấy, dân phải di dời 7-8 năm nay rồi, thế mà hai tòa nhà này nay vẫn được chủ đầu tư quây để đấy, chẳng biết bao giờ họ mới được trở về nhận nhà”.
Tòa chung cư cũ 66 Cửa Bắc làm xấu cả bộ mặt khu phố cổ bởi sự sập sệ khi án ngữ hai mặt tiền (Cửa Bắc và Nguyễn Trường Tộ). Tòa nhà này gồm 1 đơn nguyên cao 4 tầng, mức độ nguy hiểm được xếp loại C.
Nhà bà Nguyễn Thị Dung, phòng 106, mặc dù mới được sửa chữa lại, nhưng phòng khách trông rất ẩm thấp, tường nham nhở những vết ố vàng, bởi phòng khách nhà bà ở dưới phòng vệ sinh nhà khác. Mỗi khi nhà trên tầng xối nước ở phòng vệ sinh, tường phòng khách nhà bà lại bị thấm nước, thậm chí nước còn nhỏ tong tong xuống phòng khách khiến mọi người phải mang xô chậu ra hứng.
Bà Dung sẵn sàng chấp nhận cuộc sống tạm cư một vài năm để con cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, điều bà Dung băn khoăn là nếu chung cư được xây lại thì phần diện tích nhà bà cơi nới thêm (sổ đỏ 38m2, sau khi cơi nới rộng hơn 70m2) có được đền bù. Thêm nữa, nhà bà ở tầng 1, một phòng mặt tiền để kinh doanh. Thu nhập của gia đình bà trông vào đấy.
“Nếu tòa nhà được xây mới, căn hộ ở vị trí nào thì nhận đúng vị trí đấy, chứ chúng tôi đang kinh doanh buôn bán ở tầng 1 lại chuyển chúng tôi lên tầng trên thì chúng tôi không chịu” - bà Dung nói.
Phòng của vợ chồng chị Nguyễn Thị Mai Hương ở tầng 2 (chung số phòng với phòng 206) chung cư 121 Lê Duẩn (112 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) chỉ rộng vỏn vẹn chưa đầy 5m2 nhưng chị Hương cũng không muốn chung cư được xây lại. “So với các tòa chung cư cũ khác thì tòa nhà này còn tốt chán, đã đến mức nguy hiểm đâu mà phải di dời. Chẳng hiểu họ (Sở Xây dựng - PV) căn cứ vào đâu mà đánh giá tòa nhà này thuộc mức độ nguy hiểm C (thực tế tòa chung cư này quan sát phía bên trong thì không thấy tường bị nứt hay bong tróc, sụt lún gì). Đang ở nơi trung tâm thế này, mọi thứ thuận tiện, bắt chúng tôi di chuyển đến nơi khác biết bao giờ mới được trở về.
Hai nguyên đơn tòa nhà G6A Thành Công ngày càng tách xa nhau hình chữ V
Ngày về cần cam kết bằng văn bản!
Ông Nguyễn Văn Thuận, phòng 306, chủ tòa nhà 121 Lê Duẩn, cho rằng: “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là được tái định cư tại chỗ. Khi di dời, dù là sống tạm mấy năm cũng phải cho chúng tôi ở chỗ nào cơ sở hạ tầng đầy đủ, thuận tiện cho sinh hoạt. Nếu để cho chúng tôi được tham gia lựa chọn chủ đầu tư thì tốt. Chọn được chủ đầu tư có năng lực, dự án được triển khai nhanh thì cuộc sống tạm cư của chúng tôi sẽ nhanh chấm dứt. Đặc biệt, khi bắt chúng tôi phải chuyển đi, chủ đầu tư phải ký kết với người dân bằng văn bản rõ ràng rằng trong bao lâu thì chúng tôi được trở về nhận nhà. Nếu không đúng như cam kết, chủ đầu tư sẽ đền bù cho chúng tôi như thế nào, phải ghi rõ bằng văn bản”.
Bà Nguyễn Thị Dung, phòng 106, chung cư 66 Cửa Bắc cho rằng, nếu chủ đầu tư xây nhà theo công nghệ mới thì rất nhanh. Quan trọng là chọn được chủ đầu tư có năng lực, uy tín, họ đẩy nhanh tốc độ xây dựng thì chỉ 1 - 2 năm là chúng tôi được nhận nhà mới. Bà Dung cũng cho rằng, tốt nhất là chủ đầu tư ký kết với người dân bằng văn bản, trong đó cam kết sẽ giao nhà cho họ trong bao lâu kể từ khi họ phải di dời.
Đi rồi không biết bao giờ được trở về cũng là lý do khiến gia đình bà Trần Thị Minh Sâm (C8, Giảng Võ) không muốn chuyển đến nơi tái định cư ở Pháp Vân.
Dù chung cư này xuống cấp trầm trọng bị lệch, lún với mức độ lớn, cầu thang phải có hệ thống thép chống đỡ để khỏi bị sập, bà và con cháu vẫn hằng ngày đánh cược mạng sống bám trụ ở lại. “Có ô tô chở mọi người xuống khu tái định cư để xem, nhưng chúng tôi xuống xem cho biết chứ chưa chuyển đi, vì chỉ thấy chủ đầu tư nói ngày đi chứ không nói ngày về, sao chúng tôi đi được” (?!).