Di dời dân vùng ven sông sạt lở để vào khu tái định cư mới nhưng không gắn với định canh, thiếu thốn đủ bề, khiến dân tái định cư bỏ hoang nhà cửa.

Sau những trận lũ lịch sử, bờ sông Cu Đê, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng ngày càng sạt lở nghiêm trọng, đe dọa an toàn của hàng chục hộ sống ven sông. Năm 2007, UBND huyện Hòa Vang đã đầu tư xây dựng khu tái định cư Nam Mỹ, đưa dân vùng sạt lở lên sinh sống. Thế nhưng đến nay, quá nửa số hộ dân đã trở về nơi ở cũ hoặc tìm nơi khác lập nghiệp. Hàng chục ngôi nhà xây bỏ hoang, gây lãng phí.

Cả dãy nhà tái định cư vô chủ

Khu tái định cư Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng được đầu tư xây dựng hạ tầng đường sá, điện nước như một khu phố mới giữa núi rừng nhưng không có một bóng người. Hàng chục ngôi nhà cấp 4 bỏ hoang, cửa nhà khóa im lìm, nhà thì không mái, chỉ còn 4 bức tường rêu phong phơi mình giữa nắng. Sân vườn trở thành nơi chăn thả gia súc. Nhiều ngôi nhà trở thành chuồng trâu, chuồng bò của người dân địa phương.

Ông Đoàn Văn Quảng, người dân tái định cư thôn Nam Mỹ cho biết: Các hộ gia đình ở đây chỉ được mấy chục mét vuông đất trong vườn nên không thể trồng trọt, phát triển kinh tế. Nghề chính của người dân là lên rừng đốt củi, lấy than đem bán. Học sinh thì phải đi học cách xa nhà cả chục cây số. Cuộc sống quá khó khăn, thiếu thốn nên lần lượt từng nhà rời bỏ khu tái định cư này.

Công trình nước sạch khu tái định cư Nam Mỹ không có nước

Ông Đoàn Văn Quảng nói: “Ở đây, người dân buổi sáng xách cái gùi đi, vào rừng đốn ba cây củi, nhưng Nhà nước cấm đi rừng. Đi về ba bốn cây củi, kiểm lâm bắt dân nên không có chi để đi hết, đất sản xuất cũng không có, đất nông nghiệp cũng không có”.

Ông Trần Thanh Hùng, trưởng thôn Nam Mỹ cho biết, theo sổ sách, cả thôn có 132 hộ nhưng thực chất đã có 32 hộ bỏ nhà đi về nơi khác, nhiều hộ quay về nơi ở cũ làm lều tạm để ở và canh tác trong mùa khô, đến mùa mưa mới quay lên đây trú ngụ. Năm 2007 và năm 2009, huyện Hòa Vang đưa 62 hộ dân vùng sạt lở sông Cu Đê lên tái định cư. Theo chính sách, mỗi hộ di dời năm 2007 được hỗ trợ 12 triệu đồng, năm 2009 được hỗ trợ 21 triệu đồng để xây dựng nhà cửa, được cấp 300 mét vuông đất ở.

Điều kiện đưa ra để được hỗ trợ tiền và cấp đất là các hộ phải xây dựng nhà. Tuy nhiên, hầu hết đây là những hộ nghèo nên ai cũng xây nhà tạm vừa đúng số tiền được hỗ trợ. Nhà cửa xây dựng tạm bợ nên chỉ bỏ hoang vài tháng là hư hỏng. Bây giờ, để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mỗi hộ dân phải nộp từ 26 đến 60 triệu đồng.

Ông Trần Thanh Hùng, trưởng thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang than: “Nghèo khó, không đủ ăn, ai cũng chấp nhận bỏ nhà chứ lấy đâu ra tiền làm sổ đỏ. Khi con em ra ở riêng thì không có đất ở, nên không có sổ đỏ. Không có sổ nếu vào khu tái định cư thì đóng thuế 100%. Nhà nước cấp đất nhưng yêu cầu dân đóng thuế thì dân không có khả năng. Bởi vì, dân phải lo ăn cũng khó...”.

Thiếu đất sản xuất, đất ở chỉ chừng 300 m2, khu tái định cư Nam Mỹ còn thiếu nước sinh hoạt. Công trình nước sạch bỏ hoang, dòng sông Cu Đê bị nhiễm Cyanua do đãi vàng sa khoáng nên người dân phải đi xa hàng cây số để lấy nước cũng là nguyên nhân khiến người người dân bỏ nhà.

Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang trăn trở, đây là vấn đề nan giải của địa phương. Chính quyền xã chỉ còn cách vận động người dân quay lại sửa chữa nhà cửa để ở, không lên ở thì thu hồi. Các trường hợp này, xã tiến hành vận động trong một thời gian, yêu cầu các hộ lên sửa nhà để ở ổn định. Nếu như không chấp hành, không làm thì kiến nghị với huyện xem xét bố trí lại cho các hộ khác có nhu cầu để ở ổn định, thu hồi hoặc hoán đổi lại, tránh mùa mưa bão sắp đến.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng cho rằng, mức hỗ trợ di dời ven sông sạt lở đối với người dân thuộc diện di dời là quá thấp, đẩy cái khó cho người dân.

Tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ yếu tập trung lo điện, đường sá, cơ sở hạ tầng. Mức hỗ trợ cho người dân không đủ để họ làm nhà, đến mùa lũ họ mới chạy về nơi ở cũ. Tuy nhiên, vẫn phải đưa người dân đi không cho phép họ ở nơi ở cũ bởi vì vùng đó, sông sạt lở, hai là ngập lũ rất là sâu. Cái khó cho người dân là đất đai sản xuất lại ở đó, mà bây giờ không còn vùng nào nữa chỉ có vùng Nam Yên thì đã hết đất.

Di dời dân vùng ven sông sạt lở để vào khu tái định cư mới nhưng không gắn với định canh, thiếu thốn đủ bề, khiến dân tái định cư bỏ hoang nhà cửa. Hàng tỷ đồng của nhà nước không phát huy hiệu quả ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng là bài học không mới nhưng cần sớm khắc phục khi mùa bão đang đến gần

Thanh Hà-Hoài Nam (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.