Hệ thống các kênh thoát nước ngầm được mệnh danh là "ngôi đền dưới lòng đất" giúp Tokyo giảm thiểu thiệt hại trong siêu bão Hagibis vừa qua.

Giữa tháng 10, siêu bão Hagibis đổ bộ đã gây ra thiệt hại trên diện rộng ở Nhật Bản. Cơn bão này khiến hơn 80 người thiệt mạng khi nhiều con đê sông bị vỡ khiến nhiều khu vực bị lũ lụt.

Tuy nhiên, thủ đô Tokyo không bị ảnh hưởng nhiều bởi cơn bão này trong khi tỉnh Chiba gần kề lại thiệt hại nặng. Điều này là nhờ vào một mạng lưới các hồ chứa và cống thoát nước phức tạp hoạt động hết công suất để hạn chế lũ lụt tại đây.

Ngay trước trưa ngày 12/10, thời điểm cơn bão Hagibis bắt đầu đổ bộ vào Tokyo và các khu vực lân cận, nước sông bắt đầu chảy vào hệ thống kênh ngầm ở tỉnh Saitama, giáp ranh giới Tokyo. Hệ thống kênh ngầm này được gọi là “ngôi đền dưới lòng đất”.

Thoát lũ trong gang tấc

Nước từ các sông Nakagawa, Kuramatsu và Komatsu - những nhánh của sông Tone, con sông lớn nhất trong nội đô - được chuyển đến kênh xả ngầm ở ngoại ô để được bơm vào sông Edogawa có sức chứa lớn hơn.

Đến 15h ngày 15/10, 11,5 triệu tấn nước đã được chuyển đi, Nikkei Asian Review cho biết.

Một người đàn ông chụp ảnh dòng sông Tama ở Tokyo, con sông đã gây ra lũ lụt ở thành phố Kawasaki ở khu vực hạ lưu sau khi cơn bão Hagibis đổ bộ giữa tháng 10. Ảnh: Reuters.

Khi bão Hagibis đổ bộ, hệ thống kênh xả này đã hoạt động hết công suất. Đây là lần thứ hai nước chảy qua kênh đạt đến mức này kể từ khi công trình này được hoàn thành vào năm 2006.

Dù đã có hệ thống kênh thoát nước hiện đại, khu vực này cũng đã chịu một số thiệt hại. Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch, lũ đã quét qua 1.200 ngôi nhà giáp ranh với sông Nakagawa và Ayase.

Tuy nhiên, con số này chỉ gần 5% số nhà bị ngập trong bão Nancy năm 1982, thời điểm có lượng mưa lớn tương đương.

Hệ thống hồ chứa dày đặc

Những cơ sở hạ tầng có chức năng kiểm soát lũ khác cũng đóng góp vào việc hạn chế thiệt hại do bão gây ra ở Tokyo. Một trong số đó là khu vực chứa nước Watarase – hệ thống chứa nước mưa lớn nhất của Nhật Bản chạy qua các quận Tochigi, Saitama, Gunma và Ibaraki.

Hệ thống này có sức chứa khoảng 170 triệu tấn nước. Cơn bão Hagibis đã đổ vào đây 160 triệu tấn nước, lấp đầy tới 95% sức chứa của hệ thống, một con số kỷ lục.

Hệ thống kênh ngầm ở tỉnh Saitama, giáp ranh giới Tokyo. Hệ thống kênh ngầm này được người Nhật gọi là “ngôi đền dưới lòng đất”. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Nhiều hồ chứa nước khác cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ ngăn lũ. 35 triệu tấn nước đã chảy vào hồ chứa Saitama dọc theo sông Arakawa, tương đương 90% sức chứa của hồ.

Đập Yamba ở tỉnh Gunma, nơi bắt đầu thử nghiệm hoạt động chứa nước vào đầu tháng 10, cũng gần như hoạt động hết công suất. Tokyo có 28 hồ chứa nước điều tiết và 21 hồ trong số đó đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lũ trong cơn bão vừa rồi.

Ở một số nhánh sông Arakawa và Tone, nước sông đã dâng lên và tràn bờ. Bên cạnh đó, nước sông Tama cũng dâng lên gây ra lũ lụt ở các khu dân cư cao cấp ở phường Setagaya của Tokyo và thành phố lân cận Kawasaki. Tuy nhiên, các biện pháp phòng chống lũ đã trụ được dù có khó khăn.

"Nếu những cơn mưa xối xả này thay đổi dòng nước một chút thôi, các hồ chứa có thể đã quá tải", một quan chức Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch nói với Nikkei Asian Review. "Tại một số khu vực ở hạ lưu của các hồ chứa điều tiết, mực nước đạt đến mức báo động và có thể gây ra lũ lụt. Thủ đô Tokyo suýt đã bị ngập trong nước."

Những công trình tỷ đô

Năm 2012, chính quyền thành phố Tokyo đã cải thiện hệ thống kiểm soát lũ để xử lý lượng mưa lên tới 75 mm mỗi giờ. Hiện thành phố đang có kế hoạch tăng cường khả năng xử lý của hệ thống bằng cách tăng dung lượng lưu trữ của các hồ chứa điều tiết khối từ 2,56 triệu lên 8 triệu mét khối. Tuy nhiên, đây không phải là công việc dễ dàng.

"Việc tìm các địa điểm để xây hồ chứa ở trung tâm Tokyo là vô cùng khó khăn, vì vậy chúng tôi phải xây dựng chúng sâu dưới lòng đất", một quan chức của thành phố Tokyo cho biết. "Công việc này cần rất nhiều thời gian và tiêu tốn số tiền khổng lồ."

Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch bổ sung thêm ba hồ chứa điều tiết ở Saitama, cùng với một hồ hiện có. Việc xây dựng hồ thứ hai và thứ ba được ước tính tiêu tốn hơn 160 tỷ yên (1,47 tỷ USD). Quá trình xây dựng dự kiến được hoàn thành vào năm 2030.

Vùng Kanto, nơi có thành phố Tokyo tọa lạc, có rất nhiều con sông lớn. Khu vực này liên tục phải hứng chịu nhiều trận lũ lụt nghiêm trọng. Cơn bão Ida đổ bộ năm 1958 đã làm ngập hơn 40.000 ngôi nhà dọc theo hai con sông trong khu vực.

Trước đó, cơn bão Kathleen năm 1947 khiến nước các con sông tràn vào bờ, làm ngập khoảng 300.000 ngôi nhà trong cả khu vực, trong đó có khoảng 90.000 ngôi nhà ở Tokyo.

Hiểu điều này, việc xây dựng cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ lụt, bao gồm đê và hồ điều tiết, đang dần tiến triển. Chính phủ Nhật Bản và chính quyền các thành phố đang dành quỹ cho các dự án xây dựng khác nhau.

Tuy vậy, việc xây dựng tiêu tốn thời gian và công sức rất lớn. Vì vậy, thủ đô Tokyo - thành phố có một phần nằm dưới mực nước biển - vẫn có nguy cơ bị ngập lụt trong trường hợp có một cơn bão lớn khác đổ bộ.

Như Trần (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.