02/03/2011 4:25 AM
Chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều khẳng định phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư - người bị thu hồi đất - chính quyền địa phương đối với các dự án thu hồi đất. Thế nhưng tại dự án sân golf An Phú, cách áp dụng văn bản pháp luật về đền bù đất kiểu “tiền hậu bất nhất” đã dẫn đến lợi nhuận “chảy” thẳng vào túi chủ đầu tư. Hậu quả là quyền lợi người dân không được bảo đảm, còn các cơ quan quản lý thì phải vất vả giải quyết khiếu nại của dân.

Mới đây, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 54/TTr-TDXLĐT đề nghị UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo giải quyết những khiếu nại liên quan đến việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và việc phản ánh một số sai phạm trong quá trình thực hiện dự án sân golf An Phú của chủ đầu tư: Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sài Gòn (SDI).

alt

Bài 1: Có hay không sự ưu ái quá mức?

Vì chậm triển khai nên các cơ quan chức năng đã nhiều lần đề nghị thu hồi dự án sân golf An Phú. Thế nhưng qua nhiều lần kiến nghị, kiểm tra, dự án này vẫn tiếp tục được thực hiện. Đi kèm theo sự tồn tại dai dẳng đến khó hiểu này là phần lợi nhuận do chênh lệch giá đất giữa phương án đền bù và giá thị trường sau 10 năm đã vọt lên hơn 6.200 tỷ đồng.

Tháng 1/1999, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Thương mại xây dựng sản xuất Thiên Hải (Cty Thiên Hải) cùng các công ty khác liên doanh để thực hiện dự án trên diện tích 120ha thuộc địa bàn phường An Phú. Sau khi đo đạc và điều chỉnh, cuối năm 2000, các cơ quan chức năng địa phương đã có văn bản chấp thuận dự án sân golf An Phú với diện tích đất đã tăng lên thành hơn 137ha, có tổng vốn đầu tư hơn 147 tỷ đồng. Trên cơ sở này, ngày 12/1/2001, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn đã ký Quyết định số 57/QĐ-TTg thu hồi đất và giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sài Gòn (SDI), trong đó Cty Thiên Hải là cổ đông.

Cũng từ năm 2001 đến đầu năm 2010, quá trình thu hồi đất và sử dụng đất kiểu “rùa bò” đã được chủ dự án thực hiện. Là một dự án kinh doanh bất động sản nhưng sân golf An Phú lại được áp dụng Nghị định 22/NĐ-CP với tiêu chí phục vụ công ích, an ninh quốc phòng trong quá trình bồi thường GPMB. Thậm chí sau khi phương án đền bù được phê duyệt thì SDI vẫn loay hoay với bài toán thu hồi đất không có lời giải vì quy định chủ đầu tư phải thỏa thuận mức giá đền bù giá trị sử dụng đất với người dân bị thu hồi đất chỉ được thực hiện nửa vời.

Vì tiến độ dự án chậm triển khai nên tháng 10/2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã kiến nghị thu hồi đất đối với dự án này. Trong văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Qua 7 năm, SDI chỉ bồi thường được 7% diện tích. Giá đất nông nghiệp năm 2000 khu vực dự án là 2-3 triệu đồng/m2 nên số tiền đền bù cho người dân có đất bị thu hồi là gần 3.000 tỷ. Trong khi quy mô vốn đầu tư của cả dự án là hơn 147 tỷ thì mức giá đền bù đất tăng cao như vậy sẽ làm dự án sân golf An Phú không khả thi và chủ đầu tư sẽ không thực hiện dự án. Căn cứ Khoản 12, Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 thì dự án sân golf sau 7 năm chậm triển khai phải thu hồi.

Ngày 21/12/2007, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản gửi UBND TP.HCM, nêu rõ: Dự án sân golf do SDI làm chủ đầu tư được giao đất từ năm 2001 nhưng sau 7 năm chưa hoàn tất bồi thường, GPMB và triển khai xây dựng là quá chậm. Sở Tài nguyên và Môi trường còn kiến nghị UBND TP.HCM giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra năng lực của SDI. Nếu doanh nghiệp không đủ năng lực thực hiện dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ làm văn bản đề nghị thu hồi dự án.

Đầu năm 2008, khi chuyện cấp phép sân golf tràn lan ở tỉnh Long An bị phát hiện, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát các dự án sân golf và có giải pháp mạnh tay đối với chậm triển khai. Thường trực UBND TP.HCM đã giao các Sở, ngành chuyên môn tiến hành kiểm tra năng lực chủ đầu tư và hiện trạng 7 dự án sân golf với diện tích hơn 1.400ha. Với vai trò là cơ quan gác cổng về đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức kiến nghị UBND TP.HCM xem xét lại mật độ sân golf, hiệu quả đầu tư, quy hoạch. Các dự án giữ đất quá lâu, năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế; nếu quá tiến độ cam kết, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng thì giao các cơ quan chức năng đề xuất biện pháp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai; việc chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư.

Tuy nhiên vì nhiều lý do, sau hơn 1 năm tiến hành kiểm tra chỉ có 2 dự án bị “thổi còi” là sân golf 18 lỗ Vườn Dừa (Q.9) và sân golf 27 lỗ trong khu dân cư và công viên giải trí Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức). Còn lại 5 dự án sân golf khác, với diện tích hơn 1.000ha, trong đó có dự án sân golf An Phú vẫn tiếp tục được cho phép tồn tại. Hay nói cách khác, “cá lớn vẫn lọt lưới” và hơn 1.000ha đất đô thị vẫn đang bị “treo” trong khi các quận huyện lại phải giải tỏa thêm đất của người dân để xây dựng các công trình phúc lợi khác. Và gần đây nhất, trong báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 17/9/2010, UBND TP.HCM cũng đã phải thừa nhận sân golf An Phú thực hiện chậm.

Tag: bat dong san, dia oc, mua ban nha dat, can ban nha, can mua nha, can ban biet thu, can mua biet thu , golf an phu,sai pham, tp.hcm

Cafeland.vn - Theo Bộ TN - MT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.