26/05/2015 8:39 PM
Một số doanh nghiệp cho biết hiện cơ quan chức năng đang tiến hành nghiên cứu và đề xuất quy định các chủ đầu tư dự án sau khi xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của dự án (các tuyến đường giao thông, công viên cây xanh) sẽ chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng và quản lý theo đúng chức năng quy hoạch đã được duyệt. Dù đây chỉ mới là đề xuất nhưng các doanh nghiệp có lý do để lo lắng và chuẩn bị các kịch bản cần thiết nếu đề xuất này được bổ sung vào hệ thống văn bản pháp luật.

Trước đó, theo quy định tại Điều 13, Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư (ban hành kèm Quyết định 08/2008/QĐ-BXD ngày 28-5-2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng), chủ đầu tư dự án có trách nhiệm “Bàn giao hệ thống kết cấu hạ tầng bên ngoài nhà chung cư cho cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương theo quy định.

Đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao các công trình hạ tầng nêu trên khi đã bán hết phần sở hữu riêng cho các chủ sở hữu khác”. Quy định trên lâu nay vẫn được các doanh nghiệp thực hiện ngay sau khi đã bán hết căn hộ, chuyển giao quyền quản lý và vận hành chung cư cho Ban quản trị chung cư.

Tuy nhiên, với quy định các chủ đầu tư dự án sau khi xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của dự án sẽ chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng và quản lý, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc cho rằng việc bắt buộc tất cả chủ đầu tư dự án phải tiếp nhận quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kỹ thuật là nghịch lý, vì đây là trách nhiệm của ngành giao thông.

Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, đề xuất trên xuất phát từ thực tiễn một số chung cư sau khi bàn giao hạ tầng giao thông, công viên cây xanh cho địa phương quản lý chất lượng công trình xuống cấp, do không có ngân sách duy tu, bảo dưỡng, lực lượng quản lý mỏng. Đó chính là lý do chính quyền địa phương muốn đẩy trách nhiệm về phía doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp tham gia quản lý hạ tầng dự án, có thể xảy ra 2 trường hợp. Nếu chủ đầu tư có năng lực, uy tín, có chiến lược phát triển lâu dài, có kinh nghiệm quản lý chắc chắn hạ tầng và mỹ quan của dự án sẽ được đảm bảo. Điều đó cũng có nghĩa cư dân sẽ được hưởng những lợi ích tốt nhất. Ngược lại, nếu chủ đầu tư tài chính không mạnh, không có chiến lược phát triển lâu dài chỉ nhằm phục vụ cho mục tiêu đầu tư ngắn hạn, chịu thiệt thòi nhất vẫn là các chủ sở hữu.

Thực ra, tại các chung cư sau khi khách hàng nhận bàn giao căn hộ và dọn đến ở, Ban quản trị lâm thời (chủ đầu tư lập ra) đã tiến hành thu phí (vệ sinh, chiếu sáng công cộng, bảo vệ và hàng loạt các chi phí vận hành khác). Các chủ sở hữu phải có trách nhiệm đóng góp khoản phí để bảo trì phần sở hữu chung.

Nếu công tác duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông nội khu giao lại cho chủ đầu tư hoặc ban quản trị, khoản phí trên các chủ sở hữu căn hộ phải trả. Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea) cho rằng, cần khuyến khích các chủ đầu tư dự án tiếp tục nhận quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Trước hết là hệ thống đường giao thông nội bộ, công viên cây xanh của dự án nếu có nhu cầu, có đủ điều kiện và phải được sự đồng thuận của cư dân trong khu vực dự án.

Không nên quy định bắt buộc tất cả chủ đầu tư dự án phải tiếp tục nhận quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Nếu không có nhu cầu tiếp tục quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án, chủ đầu tư dự án sau khi đã hoàn thành xây dựng theo đúng quy hoạch và thiết kế đã được duyệt, sẽ bàn giao hệ thống này cho các cơ quan có thẩm quyền để quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng theo quy định. Do đó, cần cân nhắc kỹ để tránh phát sinh thêm chi phí lên các hộ dân sống trong chung cư thương mại.

Cư dân tại các chung cư thương mại đang phải gánh nhiều loại phí. Ảnh: M.TUẤN

So với các hộ gia đình sống bên ngoài, cư dân sống trong các chung cư thương mại còn chịu thêm nhiều thiệt thòi. Theo Luật Điện lực, đầu tư lưới điện đến đồng hồ căn hộ thuộc trách nhiệm của công ty kinh doanh điện lực.

Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp địa ốc khi làm dự án phải đầu tư xây dựng hoàn thành hệ thống lưới điện sau đó bàn giao toàn bộ tài sản này cho ngành điện. Công ty kinh doanh điện lực được hưởng lợi, trong khi người mua nhà phải gánh chịu chi phí vô lý. Cũng như hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước đến đồng hồ căn hộ cũng do nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng đến đồng hồ căn hộ, sau đó bàn giao cho công ty kinh doanh nước sạch mà không được bồi hoàn, và chi phí này người tiêu dùng phải chịu.

Tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, chủ đầu tư cho biết nguồn vốn để thực hiện duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu đô thị lấy từ nguồn thu phí bảo trì khi bán sản phẩm BĐS và thu phí quản lý hàng tháng, nếu thiếu công ty bù lỗ. Công ty dự kiến đến thời điểm thích hợp sẽ bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, để đảm bảo chất lượng hệ thống đường nội bộ và công viên cây xanh, công ty sẵn sàng tiếp tục quản lý, duy tu, bảo dưỡng như hiện nay.

Ông Lê Hoàng Châu,
Chủ tịch Horea

Minh Tuấn (Sài gòn Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.