25/08/2019 9:03 AM
Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đã được ban hành ngày 15/8 vừa qua.

Các địa phương gần như đã dừng việc thanh toán cho dự án BT dù hợp đồng đã ký kết, thậm chí đã thi công xong công trình BT trước ngày 1/1/2018. Ảnh: Lê Tiên

Đơn vị chủ trì soạn thảo đánh giá, nghị định mới sẽ tháo gỡ vướng mắc, đồng thời hạn chế bất cập, thất thoát khi thực hiện dự án BT. Tuy nhiên, quy định mà những người trực tiếp làm công tác liên quan đến dự án BT trông đợi nhất ở nghị định này là về xử lý chuyển tiếp vẫn còn gây lúng túng khi thực hiện.

Nhiều quy định chặt chẽ hơn

Theo ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính, một trong những nguyên tắc hàng đầu trong thanh toán dự án BT bằng tài sản công là lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu, giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu. Nguyên tắc quan trọng tiếp theo là việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán. Giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán.

Thời điểm thanh toán dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất là thời điểm UBND tỉnh, thành phố ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư… Việc giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT được thực hiện sau khi dự án BT hoàn thành, hoặc thực hiện đồng thời tương ứng với khối lượng xây dựng công trình dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.

Ông La Văn Thịnh khẳng định, với các quy định chặt chẽ tại Nghị định 69, những bất cập đã xảy ra với nhiều dự án BT trước đây sẽ không có cơ hội phát sinh. Mặt khác, để tránh việc nhà đầu tư cố tình lập dự án BT để lấy đất, trụ sở làm việc, trước khi muốn thực hiện dự án BT để được thanh toán bằng quỹ đất, nhà đầu tư phải bảo đảm dự án được lập theo mô hình nào, và phải thông qua đấu thầu rộng rãi, chưa kể trong một số trường hợp muốn sử dụng đất hoặc tài sản công để thanh toán, dự án đó phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Còn gây lúng túng trong xử lý chuyển tiếp

Một trong những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Nghị định 69 là quy định về xử lý chuyển tiếp đối với các dự án BT được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 - ngày Luật Quản lý, sử dụng tài sản công bắt đầu có hiệu lực. Các địa phương gần như đã dừng hết việc thanh toán cho dự án BT dù hợp đồng đã ký kết, thậm chí đã thi công xong công trình BT trước ngày 1/1/2018.

Sau nhiều lần sửa đổi, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Nghị định 69 đã quy định xử lý chuyển tiếp theo tinh thần không hồi tố. Cụ thể, đối với các hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư, thì tiếp tục thực hiện việc thanh toán theo nội dung hợp đồng BT đã ký kết.

Quy định này đã khẳng định nguyên tắc tôn trọng hợp đồng đã ký kết, củng cố niềm tin của nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung, BT nói riêng.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về PPP, các dự án BT ký hợp đồng trước 1/1/2018 chủ yếu là chỉ định thầu. Tuy hợp đồng được tôn trọng, nhưng cần tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo tại Nghị quyết 160/NQ-CP ngày 28/1/2018 của Chính phủ. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư cần rà soát lại các hợp đồng BT đã ký kết và đang thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm. Trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải điều chỉnh lại hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công...) thì phải điều chỉnh hoặc hủy hợp đồng BT, kịp thời thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, các cán bộ phụ trách vấn đề liên quan đến dự án BT của nhiều sở kế hoạch và đầu tư chia sẻ, Nghị định 69 tuy đã quy định dự án ký kết hợp đồng trước 1/1/2018 thì thực hiện theo hợp đồng, nhưng đồng thời lại quy định thêm: “Trường hợp các nội dung liên quan đến việc thanh toán chưa được quy định rõ trong hợp đồng BT thì áp dụng các quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và pháp luật có liên quan có hiệu lực tại thời điểm thanh toán”. Theo các cán bộ này, cụm từ “chưa được quy định rõ” sẽ gây lúng túng trong thực hiện, xác định thế nào là rõ hay chưa rõ, có thể phát sinh tâm lý e dè, chần chừ trong thực hiện.

Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Nguyệt Minh (Đấu Thầu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.