Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đói vốn để sản xuất kinh doanh - Ảnh: Ngọc Thắng
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngay sau kỳ nghỉ tết phải sớm thúc đẩy cho vay sản xuất kinh doanh (SXKD), ngăn chặn tín dụng đen trên thị trường.
Tuy nhiên, ngày hôm qua, Bộ Kế hoạch - Đầu tư công bố, tính đến 20.1, dư nợ tín dụng cả nền kinh tế giảm 1,21% so với cuối 2013. Đầu năm thường là thời điểm doanh nghiệp (DN) chuẩn bị hợp đồng, dự án sản xuất, ngân hàng (NH) chưa giải ngân được nhiều, nhưng với mức giảm khá mạnh trên đang cho thấy dòng tín dụng có dấu hiệu bị nghẽn lại, đe dọa khả năng hồi phục của DN cũng như sức tăng trưởng của nền kinh tế.
Lãi suất vay giảm
Thời gian qua lãi suất cho vay đã dễ thở hơn trước. Theo báo cáo của NHNN hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa… ở mức 7 - 9%/năm. Lĩnh vực SXKD khác ở mức 9 - 11,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 11,5 - 13%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.
Ông Trần Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Nhà máy giấy Bắc Giang (thuộc Công ty CP xuất nhập khẩu Bắc Giang) cho biết, trong năm 2013 và đầu 2014 công ty tiếp cận được nguồn vốn vay khá ưu đãi từ các NH Agribank, Quân đội cho các khoản vay ngắn hạn từ 9 - 10%/năm. Ông Ngô Thành Phương, Giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu đồ nhựa Hàn Quốc tại Hà Nội cũng khẳng định, hiện công ty đang vay ngắn hạn tại NH Việt - Nga với lãi suất khoảng 9,5%/năm. Nhiều NH đang chào mời vay vốn, tăng thêm hạn mức tín dụng nhưng ông vẫn đang cân nhắc thận trọng. Vì theo ông Phương, các NH hiện nay vốn chỉ cho các DN vay ngắn hạn khi nắm tài sản thế chấp - tức nắm chắc đằng chuôi. Bên cạnh đó, phần lớn đều cho ký hợp đồng vay vốn một năm, nhưng thả nổi lãi suất 3 tháng điều chỉnh một lần nên công ty cũng chưa dám mở rộng hạn mức tín dụng, sợ khi đáo hạn không xoay xở kịp.
Có thể thấy mặt bằng lãi suất chung đã giảm, nhưng thực tế lại chỉ giảm ở kỳ hạn ngắn và với một số lĩnh vực ưu tiên, vì vậy đa phần các DN vẫn chưa thể tiếp cận được vốn rẻ, dài hơi. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, TS Trần Du Lịch bày tỏ sự lo ngại khi nhiều giải pháp đưa ra nhưng dòng tín dụng vẫn cứ bị nghẽn. Đang có tình trạng NH huy động vốn ngắn hạn 1, 2 tháng nên khi cho vay trung, dài hạn lãi suất vẫn còn quá cao. “DN họ vẫn kêu lắm, giờ họ muốn vay trung và dài hạn để tái đầu tư, tái sản xuất nhưng với lãi suất mười mấy % thì không thể tái đầu tư được”, TS Lịch phản ánh.
Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ phản ánh với Thanh Niên: “Hơn 90% số DN tại Việt Nam hiện nay là DN vừa và nhỏ, nhưng suốt thời gian và hiện tại họ vẫn chưa thể tiếp cận được vốn tín dụng. Tình hình chung thì lãi suất có giảm nhưng DN vẫn không thể vay được, vẫn đang phải chật vật xoay xở để tồn tại”.
Giảm lãi suất, tháo bớt thủ tục cho vay
Trước tình hình hiện tại, theo TS Trần Du Lịch để đảm bảo tăng trưởng GDP năm nay đạt ở mức 5,8% như kế hoạch đề ra, trước mắt, NHNN phải có giải pháp ngồi lại với các NH thương mại làm sao giảm bớt được lãi suất cho vay trung, dài hạn để DN có vốn tái đầu tư, tái sản xuất.
Về Hiệp hội DN vừa và nhỏ, ông Tô Hoài Nam cho rằng, các NH cần phải có một cái nhìn mới đối với đối tượng này, vì nếu cứ “chăm chăm” nhìn vào tài sản thế chấp sẽ rất khó, bởi đa phần DN vừa và nhỏ không có tài sản lớn, giá trị cao. “Cứu DN vừa và nhỏ là giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết an sinh xã hội. Phải nhìn vào phương án kinh doanh của họ, nếu hiệu quả, khả thi thì NH nên giảm bớt thủ tục, điều kiện vay để họ tiếp cận được vốn”, ông Nam đề xuất.
Cũng theo lãnh đạo hiệp hội này, muốn giải quyết vốn tín dụng cho DN vừa và nhỏ, Chính phủ cần sớm đẩy mạnh hoạt động các quỹ hỗ trợ. Thông qua, các quỹ này bảo lãnh cho DN vay vốn để sản xuất, kinh doanh. “Bản thân nhiều DN vừa và nhỏ có phương án kinh doanh tốt, nhưng họ quản trị kém, chưa minh bạch được tài chính nên rất mong muốn được bảo lãnh vay vốn làm ăn”, ông Nam đề xuất thêm.