02/12/2010 11:34 PM
Từ năm 2000 đến nay, tỉnh Nghệ An đã cấp giấy phép hơn 60 dự án (D.A) khu đô thị (KĐT) mới cho 34 nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, mới chỉ 20% D.A triển khai, khiến người dân và doanh nghiệp bức xúc.
Theo tìm hiểu của PV, phần lớn các KĐT được cấp phép có diện tích từ 5 - 30ha, tập trung ở các vị trí đắc địa, trong đó phải kể đến các D.A: KĐT Tây đại lộ Lê Nin, Nam Nguyễn Sỹ Sách, KĐT Cửa Nam, Quang Trung, Trường Thi… Phần lớn những D.A đã triển khai trên 3 năm, có D.A đã triển khai 5 năm nhưng chỉ khởi công chứ không thi công, hoặc thi công nhưng tiến độ quá chậm, có D.A vắng chủ đầu tư (CĐT). Chẳng hạn, D.A KĐT Nam Cửa Tiền do Cty Cổ phần DANATON thi công đã 5 năm, nhưng chưa san lấp xong mặt bằng. Điều đáng nói là, CĐT chưa xây dựng xong cơ sở hạ tầng như đường, điện, hệ thống cây xanh… mà đã rao bán chung cư và đất chia lô. Hoặc như Cty Vật liệu Xây dựng và Xây lắp Thương mại (BMC) cũng đã khởi công 2 D.A KĐT mới ở phường Lê Lợi, nhưng 3 năm rồi vẫn chỉ thi công nhỏ giọt.

Trong số 60 D.A được cấp phép, mới chỉ có khoảng 20% D.A triển khai đúng tiến độ. Đơn cử như D.A nhà C1 Quang Trung và KĐT Vinh Tân của Cty Cổ phần Tecco đã bán và cho thuê 1.000 căn hộ. Bên cạnh đó, các D.A như: Tòa nhà Dầu khí, KĐT Đội Cung được triển khai và hiện đang đưa vào sử dụng…
Do các KĐT trên địa bàn triển khai chậm, tính đến nay chỉ có 20% số D.A đưa vào hoạt động, nhưng phần lớn chưa hoàn chỉnh nên từ năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An quyết định không bàn giao đất cho các D.A mới xây dựng KĐT.

Theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp, phần lớn các D.A chậm triển khai đều do CĐT eo hẹp về tài chính hoặc tìm cách “lách” D.A, hay còn gọi là “đầu voi đuôi chuột”. Chiêu thức mà các CĐT khi trình D.A cho các cấp thẩm quyền của tỉnh để được phê duyệt là vẽ ra một KĐT văn minh, hiện đại với nhà cao tầng, biệt thự liền kề, hệ thống cây xanh, công trình phúc lợi, bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt, một số nhà đầu tư kéo dài thời gian xây dựng với lý do tài chính eo hẹp. Tiếp đó, CĐT đưa ra lý do xin điều chỉnh quy hoạch như bỏ bớt nhà cao tầng, công trình phúc lợi… nhằm giảm bớt chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, CĐT lại tăng diện tích đất nền để bán thu lợi nhuận.

Cũng có CĐT, sau khi được phê duyệt D.A, lập tức phân lô bán đất theo diện đầu tư ban đầu cho người dân, hình thức huy động vốn này sẽ kéo dài trong thời gian xây dựng KĐT nên thực chất của hình thức đầu tư là người dân tự xây KĐT cho chính mình. Nếu huy động vốn nhanh thì tiến độ thi công nhanh, còn KĐT không thu hút được đầu tư là “đắp chiếu”. Thự­c tế các KĐT đều chủ yếu bán đất nền vì căn hộ chung cư người dân không còn mặn mà do xuống cấp nhanh, chi phí dịch vụ đắt đỏ, nên nhà đầu tư rất hạn chế trong việc xây dựng chung cư.

Mặc dù Sở Xây dựng Nghệ An đã phối hợp với cơ quan chức năng tổng kiểm tra các D.A KĐT trên địa bàn và có báo cáo gửi UBND tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa một D.A nào bị đình chỉ, thu hồi đất.

Dễ nhận thấy, nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn, giá đất ngày một tăng cao, đồng nghĩa với việc người thu nhập thấp khó có khả năng tìm kiếm cho mình một căn hộ. Vậy nhưng, hàng ngàn m2 đất ở các vị trí đẹp nhất TP Vinh vẫn chỉ là những bãi đất trống hàng chục năm nay. Đã đến lúc, UBND tỉnh Nghệ An cần có những động thái cần thiết không để lãng phí quỹ đất “vàng”.
Cafeland.vn - Theo Website Thanh tra
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland