Câu hỏi được rất nhiều người đặt ra là: vì sao lại ngập? Để rồi, rất nhiều kiến giải được cộng đồng đua nhau nêu lên, biện luận có, mạ lỵ có, nhằm đánh giá thực chất năng lực xử lý thoát nước của các thành phố lớn.
Đô thị càng lớn, ngập càng sâu!
Dường như mọi ý kiến nói về tình trạng ngập nước tại các đô thị đều có chung luận điểm: đô thị càng lớn, mức độ ngập càng sâu, mà tốc độ bị ngập cũng rất nhanh chóng.
Một chuyên gia đô thị tại TP.HCM chia sẻ, hơn 30 năm trước, TP.HCM chưa sầm uất như hiện nay, nhiều khu vực rất quang quẽ, nhà cao tầng chỉ tập trung ở quận 1, quận 5... Mùa mưa thuở đó thành phố cũng ngập, nhưng mức độ không nghiêm trọng, chủ yếu ở các điểm còn chưa đầu tư hạ tầng.
Còn hôm nay, cứ mưa xuống là đường phố TP.HCM lại ngập khắp nơi. Cả những khu đô thị mới, nơi được quảng bá là văn minh, vẫn bị ngập khi trời mưa, đường sá ách tắc. Mức độ ngập của các con đường xem ra nghiêm trọng hơn quá khứ rất nhiều.
Huế hay Đà Nẵng là những đô thị cũng phát triển tương đối so với quá khứ, nhưng cũng đang gặp tình cảnh như vậy. Tần suất ngập trong mưa, ngập cục bộ của các đô thị này, xét về tỷ lệ dân cư và diện tích, chẳng khác gì TP.HCM cả. Nhất là Đà Nẵng, đô thị ngay cửa biển cuối sông, gần 20 năm qua đã ra sức hiện đại hóa hạ tầng, cải thiện hệ thống thoát nước, vậy mà cứ mưa là ngập. Nếu ở quá khứ, Đà Nẵng ngập vùng ven, với các địa chỉ đỏ “Xuân Châu Tiến Phước”, tức 4 xã vùng trũng của huyện Hòa Vang, thì nay trung tâm thành phố, cứ hễ mưa to là thành “cái ao khổng lồ”. Các trục đường chủ lực Đà Nẵng, mưa đến tầm 100 mm thì luôn ngậm nước sâu hàng tấc!
Tầm nhìn hay ý thức?
Có một câu hỏi ở đây là: tại sao tình trạng ngập ngày càng nặng tại đô thị như vậy? có phải đó là do tầm nhìn của những nhà quản lý, hay do ý thức của mỗi công dân?
Phần lớn các phản biện đều nói rằng, chính tầm nhìn, trách nhiệm của nhà quản lý dẫn đến sự bất cập. Điều này có lý vì cứ so sánh thời điểm, lúc nào đô thị hóa tăng lên thì nạn ngập nước sẽ nhiều hơn. Đơn cử tại TP.HCM, người ta từng nhắc đến một kiến trúc sư nổi danh đưa lời khuyên chớ nên phát triển về phía nam vì sẽ “bít đường thoát nước”. Song đến nay, chính đội ngũ quản lý ra sức hô hào “đô thị hóa phía nam Saigon”. Dư luận cũng chỉ trích các công trình hạ tầng giao thông của TP.HCM được thiết kế, thi công và giám sát thiếu trách nhiệm, “ăn bớt ăn xén”. Do đó, cộng đồng luôn nhìn nhận lầm lỗi nạn ngập nước thuộc về nhà quản lý.
Ngập nước trên đường Hàm Nghi, trung tâm thành phố Đà Nẵng
Tuy nhiên, không ít người hoạt động xã hội chỉ ra, chính tình trạng nhập cư, di dân tự do vào TP.HCM, với những “đội quân” kém ý thức, thiếu trách nhiệm đấu tranh với tình trạng quản lý lơi lỏng, đã dẫn đến sự suy thoái hiện trạng hạ tầng đô thị này. Hậu quả không chỉ có thoát nước kém, mà đi lại, giao thông, các tiêu chuẩn môi trường, an sinh xã hội... đều suy giảm, thậm chí có những chỉ số báo động.
Mật độ dân số tăng không đồng bộ với năng lực đầu tư hiện hữu của đô thị, ý thức đa số người dân hạn chế, đa số tư duy kiểu “mặc kệ nó” mà báo chí từng chỉ trích, đã khiến các đô thị, trong đó có TP.HCM trở nên bất lực về một số mặt quản lý, giám sát.
Một nhà nghiên cứu xã hội bày tỏ: “Bây giờ đi trên phố Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng, không ai còn để ý người khác khạc nhổ, quăng rác. Nếu thấy, thì người ta ngó lơ, tự lẩm bẩm là kẻ đó mất tư cách, chỉ vậy thôi. Rồi khi có rác, ai cũng cố gắng vứt xa cửa nhà mình, còn rác đó đi đâu, thì không quan tâm. Các cửa cống, hệ thống thu gom rác thải... đều trở nên quá tải bởi mật độ dân số tăng đã đành, mà còn bị nhồi nhét thêm rác thải từ bàn tay người dân”.
Với sự thật đó, các đô thị đã ngày càng quá tải với những vấn đề cơ bản, như giao thông, rác thải, thoát nước... Hiện trạng ngập nước đô thị, bởi thế, trở thành nỗi ám ảnh cho chính người dân đô thị, những người chỉ chuyên nhìn nhận trách nhiệm xã hội là thuộc chính quyền, còn bản thân vô can.
Một nhà chuyên môn kết luận: “Một khi chúng ta vẫn vô tư ném bao nilon gói bánh mì ra vỉa hè, thì đừng trách vì sao cống tắc, và ngôi nhà của chúng ta, ở giữa đất đô thị văn minh, phải ngập trong nước thải hôi hám”.
-
Dự án chống ngập, ngăn triều sẽ về đích trong tháng 12
Chủ đầu tư đại dự án 10.000 tỉ đồng cho biết nếu huyện Nhà Bè bàn giao mặt bằng trong tháng 8 thì dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12, trễ hơn 2 tháng so với dự kiến.
-
Nỗ lực bàn giao mặt bằng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 (gọi tắt là dự án) khi đưa vào hoạt động dự kiến sẽ giải quyết thoát ngập cho hơn 6,5 triệu dân thành phố....
-
TPHCM chậm xử lý các vấn đề ngập nước, ô nhiễm không khí
Công trình ngăn triều, chống ngập chậm tiến độ, việc quan trắc, dự báo về môi trường còn hạn chế.