Nguy cơ chính hiện nay đối với thế giới không phải là nợ công hay lạm phát, mà là một vòng xoáy suy giảm kinh tế ngày càng khó đảo ngược.
“Ngáo ộp” nợ công và lạm phát có bị phóng đại?

Bất chấp nhu cầu phải có những chương trình kích thích kinh tế mạnh mẽ và lâu dài tại nhiều nước, các nhà lãnh đạo hiện nay đang đứng trước những lựa chọn khó khăn.

Sau thảm họa kinh tế năm 2008-2009, người ta đang quan ngại về những hậu quả nghiêm trọng của một cuộc khủng hoảng tài chính nữa. Nhưng khả năng lại xảy ra khủng hoảng là khá nhỏ, hậu quả của một cuộc khủng hoảng, nếu xảy ra, cũng không nghiêm trọng do hiện nay không có nhiều khoản nợ hay những bong bóng tài sản lớn để vỡ tung. Nhưng thực tế này không ngăn được giới học giả và truyền thông thổi phồng những quan ngại, làm xao lãng những nỗ lực vượt qua sự đình đốn kéo dài tại hầu hết các nền kinh tế phát triển đang cản trở sự phục hồi ở các khu vực khác, nhất là các nền kinh tế đang phát triển.


"Con ngáo ộp" hiện nay là nợ công, với các cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Nhưng khó khăn tài chính là một thách thức lâu dài, chứ không phải thách thức trước mắt. Mặc dù Nhật Bản có tỷ lệ nợ/GDP cao nhất trong số các nước phát triển, nhưng khoản nợ này không phải là một vấn đề nghiêm trọng do khoản nợ này chủ yếu thuộc về các chủ nợ trong nước. Còn những vấn đề nợ của châu Âu là do những khía cạnh tiêu cực của sự hợp nhất Châu Âu.


Cho đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn chưa có được những dàn xếp hiệu quả và hợp lý để tái cơ cấu nợ công. Điều này đang cản trở sự phục hồi kinh tế. Mức nợ công cao cũng được dùng như một cái cớ để áp dụng các biện pháp khắc khổ tài chính tại nhiều nước phát triển. Nhưng thay vì hỗ trợ, việc vội vã cắt giảm ngân sách đang làm đảo ngược những nỗ lực phục hồi trước đó. Do nhu cầu của khu vực tư nhân vẫn yếu, chính sách “thắt lưng, buộc bụng” đang làm chậm lại chứ không phải thúc đẩy sự phục hồi, làm giảm tốc độ tăng trưởng và tạo việc làm.


Tăng trưởng thấp hơn có nghĩa là ít thu nhập hơn và một vòng xoáy suy giảm kinh tế nhanh hơn. Thâm hụt tài chính hiện nay tại hầu hết các nước lớn là do thu nhập từ thuế sụt giảm do tăng trưởng kinh tế thấp, cũng như các khoản cứu trợ rất tốn kém cho ngành tài chính.

Một rủi ro khác đang bị thổi phồng là nguy cơ lạm phát. Tỷ lệ lạm phát cao hiện nay tại nhiều nước là hậu quả của giá hàng hóa cao hơn, nhất là giá nhiên liệu và lương thực. Trong bối cảnh này những chính sách giảm phát trong nước sẽ chỉ cản trở tăng trưởng hơn nữa và không giúp được gì cho việc ngăn chặn lạm phát "nhập khẩu". Ưu tiên hàng đầu là phối hợp và thực thi những nỗ lực nhằm thúc đẩy duy trì tăng trưởng và tạo việc làm. Trong khi đó, việc cắt giảm chi tiêu xã hội và phúc lợi chỉ khiến tình hình xấu thêm, khi tỷ lệ người có việc làm và nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm hơn nữa.

Mặt khác, những kêu gọi cải cách cơ cấu hiện chủ yếu tập trung vào các thị trường lao động, chứ không phải các thị trường sản xuất. Điều mà thế giới đang cần hiện nay là các nhà lãnh đạo hướng tới tương lai lâu dài. Các thể chế tài chính quốc tế được thành lập không chỉ nhằm đảm bảo sự ổn định tiền tệ và tài chính quốc tế, mà cả những điều kiện cho sự tăng trưởng lâu dài, tạo việc làm và tái thiết. Đáng tiếc là chính sách hiện nay đang được bào chữa bằng những lựa chọn ủng hộ thị trường, thường là theo chu kỳ, trong khi thế giới đang rất cần những nỗ lực, thể chế và công cụ phản chu kỳ.
Theo Lê Chân (Tầm nhìn/ EconomyWatch)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh