Tính đến cuối quý I/2012, Xi măng Yên Bình của Vinaconex đã lỗ 932 tỷ đồng
Vinaconex có 2 nhà máy xi măng Cẩm Phả và Yên Bình, với tổng mức đầu tư khoảng 7.300 tỷ đồng, trong đó, Xi măng Cẩm Phả có vốn đầu tư 6.089 tỷ đồng. Cuối quý I/2012, Xi măng Cẩm Phả đứng đầu danh sách DN thua lỗ trong ngành, với số lỗ 1.259 tỷ đồng, còn Xi măng Yên Bình đang chịu lỗ 932 tỷ đồng. Vốn đầu tư lớn, chủ yếu từ nguồn vay ngoại tệ, khiến chi phí tài chính lớn, suất đầu tư cao (ở Xi măng Cẩm Phả là 2,64 triệu đồng/tấn, cao hơn hai lần giá bán bình quân của sản phẩm xi măng trên thị trường) đã đẩy dự án này vào cảnh nợ nần, thua lỗ nặng. Trong quý I/2012, Vinaconex phải trích lập dự phòng rủi ro đầu tư tài chính hơn 1.000 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào Xi măng Cẩm Phả. Phương án thoái vốn tại dự án này nhiều khả năng bất thành vì đối tác chính là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng đang oằn mình với những khoản nợ đầu tư.
Xi măng Hạ Long của Tập đoàn Sông Đà đứng thứ hai danh sách thua lỗ với số lỗ 1.215 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng mức đầu tư của dự án này tăng lên chóng mặt, từ 3.984 tỷ đồng lên 6.760 tỷ đồng; thời gian thi công chậm gần 4 năm; suất đầu tư tới 3,21 triệu đồng/tấn. Kinh doanh thua lỗ, Công ty buộc phải vay hoặc chiếm dụng các nguồn vốn khác để trả nợ.
Đến hết quý I/2012, Xi măng Hạ Long đã vay 2.000 tỷ đồng để trả nợ. Phương án giải quyết số nợ giai đoạn 2012 - 2015 là 1.200 tỷ đồng được Công ty đưa ra vẫn là “tiếp tục đi vay” khi 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam, công ty mẹ của Xi măng Hạ Long chỉ lãi 106,3 tỷ đồng. Trong khi số lãi này là phép cộng của các thành viên bao gồm: Tập đoàn Sông Đà, các Tổng công ty DIC, Sông Hồng, Coma, Lilama và Licogi. Đơn giản là Tập đoàn Sông Đà không thể “giật gấu vá vai” lấy của các đơn vị khác để trả nợ cho Xi măng Hạ Long.
Xi măng Đồng Bành, thuộc Tổng công ty Coma, đến hết quý I/2012 lỗ 196 tỷ đồng. Điều đáng nói là nhà máy này hiện chỉ chạy 25% công suất thiết kế và chưa biết thu xếp từ nguồn nào để trả các khoản nợ đáo hạn tới 600 tỷ đồng từ nay đến năm 2015. Theo tính toán, Nhà máy phải chạy khoảng 80% công suất thì mới đạt hiệu quả và có tiền trả nợ.
Tương tự, Xi măng Thái Nguyên sau hơn 1 năm đi vào hoạt động đã lỗ 77 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 2 nhà máy này thuộc diện không có nguồn trả nợ. Trong khi tổng mức đầu tư của Xi măng Đồng Bành là 1.505 tỷ đồng, Xi măng Thái Nguyên là 3.536 tỷ đồng, nguồn vốn vay được Chính phủ bảo lãnh của Xi măng Đồng Bành là 404 tỷ đồng và Xi măng Thái Nguyên là 1.409 tỷ đồng.
Cũng sử dụng nhiều vốn vay bảo lãnh của Chính phủ, nhưng tại các dự án xi măng Vicem, tình hình trả nợ lại khả quan hơn. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Vicem, đến thời điểm này, Tổng công ty không bị lỗ dù phải trả nợ đầu tư đến hạn là 4.500 tỷ đồng. Vicem có 7 dự án được Chính phủ bảo lãnh vay với số tiền 9.125/19.423 tỷ đồng tổng mức đầu tư. Trong đó, Xi măng Hoàng Mai có vốn đầu tư 2.900 tỷ đồng, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh chiếm 2.063 tỷ đồng. Xi măng Tam Điệp có tổng mức đầu tư 3.785 tỷ đồng, trong đó vốn vay được Chính phủ bảo lãnh là 1.774 tỷ đồng. Hiện các khoản vay để đầu tư cho Xi măng Hoàng Mai đã đến hạn trả nợ.
Xi măng Hoàng Mai đứng thứ 2 trong Vicem (sau Hoàng Thạch) về lợi nhuận, 6 tháng đầu năm 2012, Hoàng Mai đã lãi 51 tỷ đồng. Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem cho biết: “Nợ của Xi măng Hoàng Mai không đáng ngại vì đơn vị này đang sản xuất - kinh doanh tốt. Với Xi măng Hải Phòng cũng có thể giải quyết được. Nhưng với Xi măng Tam Điệp thì thực sự khó khăn. Hiện Vicem đã trình Chính phủ xin cơ cấu lại nợ cho Tam Điệp”.
Bức tranh nợ khủng của DN xi măng đã rõ, nhưng đường ra cho nhiều công ty còn khá mờ mịt. Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho các DN trong ngành, mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất Ủy ban Kinh tế Quốc hội bổ sung các DN sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, kính, gốm sứ xây dựng, gạch không nung) vào nhóm được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 13 và được khoanh nợ, giãn nợ và được hỗ trợ thu xếp nguồn ngoại tệ để trả nợ các khoản vay ngoại tệ.