Cạnh tranh trên thị trường thép xây dựng năm 2012 sẽ gay gắt hơn. (Ảnh minh họa: Vnexpress) |
Giống như các DN trong ngành, sản lượng bán hàng của Hòa Phát trong tháng 10 giảm so với các tháng trước, mặc dù vẫn tăng cao so với cùng kỳ.
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Pomina (POM) cho biết, sản lượng bán hàng tháng 9 - 10 của Công ty giảm khoảng 30% so với các tháng trước. Tiêu thụ thép xây dựng bị ảnh hưởng nặng do chính sách giảm đầu tư công và siết tín dụng với bất động sản. Giảm sản lượng bán hàng là tình hình chung của các DN thép. POM hiện đang chạy 50% công suất thiết kế, trong khi 70% công suất mới là điểm hòa vốn của sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, khả năng xuất khẩu thép khó khăn hơn do lãi suất cao làm giảm năng lực cạnh tranh của DN trong nước.
"Chưa có dấu hiệu cho thấy giá thép sẽ thay đổi trong thời gian tới mà sẽ ổn định khá lâu. Mặc dù thời gian qua giá thép thế giới giảm 5%, nhưng giá USD trong nước lại tăng nên giá bán trong nước khó giảm theo giá thế giới", ông Thái dự báo.
Trong khi đó, ở mảng thép lá mạ, CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) cho biết, do mặt hàng tôn, thép mạ dùng để lợp nhà không phụ thuộc nhiều vào các dự án đầu tư bất động sản mà phụ thuộc nhu cầu tiêu thụ của dân ở nông thôn, nên ít bị ảnh hưởng bởi tình hình siết tín dụng. Nhưng do nhu cầu tiêu thụ trong nước còn yếu, DTL vẫn phải dựa vào xuất khẩu để tăng doanh thu. Hiện nay, khu liên hiệp gang thép của DTL đang trong giai đoạn đầu tư, dự kiến cuối năm nay sẽ đưa vào hoạt động 4 - 5 dây chuyền mới như tẩy rửa, mạ lạnh và mạ màu.
Theo dự báo của ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT DTL, diễn biến kinh tế trong nước có thể tiếp tục khó khăn trong năm 2012, nhưng nhờ dây chuyền sản xuất mới, DTL vẫn có khả năng đạt được lợi nhuận như năm nay.
Trong khi đó, ông Thái cho rằng, tình hình thị trường thép hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô. Nếu siết tín dụng bất động sản bằng mọi giá mà không có sự linh hoạt thì sẽ kéo theo các ngành khác như thép, gạch đá, xây dựng bị ảnh hưởng nặng.
Lãi suất cao, các DN ngành thép thuộc nhóm DN bị ảnh hưởng nhiều nhất, do thép là ngành sử dụng vốn vay lớn, kể cả vốn lưu động và vốn dài hạn. Giai đoạn này có thể coi là thời điểm sàng lọc các DN thép. DN nào có lợi thế cạnh tranh riêng mới có thể tồn tại và phát triển.
Năm 2012, năng lực sản xuất của nhiều DN thép sẽ tăng lên do các dự án đầu tư như dự án Nhà máy Thép Lào Cai, giai đoạn 2 Khu liên hợp thép Hòa Phát, nhà máy thép của Tisco và Pomina… đi vào hoạt động. Trong khi đó, ở thời điểm hiện nay, đa số nhà máy hiện tại đều hoạt động không hết công suất thiết kế.
Nếu năm 2012, môi trường vĩ mô không được cải thiện rõ rệt, thúc đẩy sức tiêu thụ thép tăng trưởng trở lại thì các DN ngành thép sẽ bị sức ép từ các DN lớn có nhà máy mới vận hành.
Cạnh tranh trên thị trường thép xây dựng và cả thép dẹt năm 2012 vì thế sẽ gay gắt hơn.