Nếu không cơ cấu lại nợ, không giãn áp dụng Thông tư 02 thì nhiều ngân hàng thương mại sẽ lỗ lớn.
Tình hình kinh doanh, hiệu quả hoạt động hay một bức tranh chung và lợi nhuận ngành ngân hàng đã được hé mở trong báo cáo trên. Đáng chú ý là ở tình hình chung, ngành ngân hàng đã “tránh lỗ” do được thực hiện cơ cấu lại nợ.
Cụ thể, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, kết quả kinh doanh của ngành thực tế còn thấp hơn nhiều, vì việc thực hiện Quyết định 780 đã giúp các tổ chức tín dụng giảm đáng kể mức độ trích lập dự phòng rủi ro. Nếu không thực hiện Quyết định 780, các tổ chức tín dụng sẽ phải trích lập thêm 14,4 nghìn tỷ đồng, khi đó toàn hệ thống sẽ có chênh lệch thu-chi âm 1,3 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, nợ xấu lớn, chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh là nguyên nhân quan trọng làm giảm kết quả kinh doanh, ảnh hưởng đến sự an toàn tài chính của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, chênh lệch thu - chi lũy kế năm 2012 của toàn hệ thống chỉ bằng 40% năm 2011; cập nhất tình hình 4 tháng đầu năm 2013 là 13,1 nghìn tỷ đồng, nhưng lại có nhiều tổ chức tín dụng có chênh lệch thu - chi âm.
Trong số 104 tổ chức tín dụng có chênh lệch thu - chi dương, có 20 tổ chức tín dụng có mức chênh lệch giảm so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo trên tổng hợp, các chỉ số phản ánh hiệu quả kinh doanh ROA (chênh lệch thu-chi trên tài sản Có) và ROE (chênh lệch thu-chi trên vốn chủ sở hữu) tương ứng đạt 0,25% và 2,64%. So sánh hai chỉ số này của ngành ngân hàng với 20 nhóm ngành kinh tế của Việt Nam (được tính toán từ các công ty niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán) thì ROA đội sổ khi xếp thứ 20/20 và ROE thuộc trung bình khi xếp thứ 11/20.
Liên quan đến hiệu quả hoạt động của hệ thống, trước đây Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng nêu quan điểm rằng, với đặc thù của ngành, các ngân hàng cần có được lợi nhuận nhất định để còn có nguồn chủ động tự xử lý các rủi ro.