Khó xác định đối tượng
Theo TS Lê Đình Tri, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch (Bộ Xây dựng), thực tế đã xảy ra tình trạng có người mượn danh thu nhập thấp để mua nhà hưởng ưu đãi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc xác định người có thu nhập thấp rất khó nếu chỉ căn cứ vào mức lương không phải nộp thuế thu nhập. Lương thì ai cũng biết, nhưng “cái không phải là lương” hay còn gọi thu nhập ngoài lương thì rất khó kiểm soát.
Người dân bốc thăm mua nhà thu nhập thấp tại Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
KTS Trần Ngô Đức Thọ (ĐH Xây dựng Hà Nội) chia sẻ bài học kinh nghiệm từ nước Mỹ về phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo các cơ chế hỗ trợ dự án nhà thu nhập thấp. Trong đó, có cơ chế tài chính nhằm đưa giá nhà vào tầm chi trả của các gia đình thu nhập thấp. Còn việc xác định đối tượng thụ hưởng thì dựa trên thu nhập bình quân địa phương. Theo đó, gia đình được coi là có thu nhập thấp khi có mức thu nhập thấp hơn 80% thu nhập bình quân của địa phương. Cơ quan quản lý sẽ chia ra các nhóm đối tượng thu nhập thấp thuộc diện khó khăn, rất khó khăn để đưa ra các hình thức hỗ trợ phù hợp. Tất nhiên, ở nước ngoài, việc xác định mức lương của người dân là rất dễ dàng bởi lương của người lao động đều được công khai, minh bạch.
Theo quy định hiện nay, đối tượng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (thu nhập thấp), đồng thời có diện tích nhà bình quân thấp dưới 8 m2 sẽ được mua nhà thu nhập thấp. Ông Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng, việc Bộ Xây dựng đưa thêm tiêu chí về nhà ở có diện tích dưới 8 m2 sẽ hạn chế phần nào việc xác định sai đối tượng. Tuy nhiên, theo quy định mới, đối tượng học sinh, sinh viên cũng có thể mua NOXH.
Để người dân cùng xây nhà
Một trong những rào cản khác khiến người nghèo khó tiếp cận NOXH là họ không được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng NOXH mà chỉ có thể bỏ tiền ra để mua những căn do chủ đầu tư xây dựng. Do nguồn cung còn quá ít so với nhu cầu thực, việc xét duyệt đối tượng mua NOXH vẫn được thực hiện theo cơ chế xin cho. Trong khi đó, chất lượng của nhà thu nhập thấp thì vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn. Nhiều chuyên gia cho rằng, để gỡ khó, Nhà nước không nên mãi cung ứng sản phẩm nhà ở cho người dân bởi nhiều sản phẩm NOXH hiện nay chưa “đánh trúng” nhu cầu thật sự của người dân. Thay vào đó, Nhà nước nên tạo chính sách để người dân được trực tiếp tham gia vào việc kiến tạo nhà ở cho chính mình.
Theo TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, không cần thiết phải xây nhà thu nhập thấp trị giá hàng trăm triệu đồng như hiện nay vì mỗi đối tượng sẽ có nhu cầu nhà ở khác nhau. Bà Loan đề nghị: Không nên hướng đến việc để doanh nghiệp xây nhà nữa mà có thể để người dân tự xây với sự hỗ trợ về tài chính và đất đai của Nhà nước. Theo chuyên gia này, giải pháp phát triển nhà ở tốt nhất là nâng cấp tại chỗ. Bà Loan cho rằng, người nghèo, người thu nhập thấp có thể không đủ khả năng mua được nhà ngay, nhưng họ có thể sở hữu nhà ở thông qua hình thức trả góp.
Mặt khác, ông Trần Ngô Đức Thọ cho rằng, cũng cần để người dân cùng tham gia vào thiết kế NOXH. Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, tiếng nói của người dân tham gia vào việc xây dựng NOXH càng lớn thì tỷ lệ thành công càng cao vì chính người dân mới biết họ cần gì trong ngôi nhà của mình, kiến trúc sư không thể biết nhu cầu thực sự của mỗi hộ dân. Chẳng hạn như tại Thái Lan, nhà ở được thiết kế dưới dạng tầng một là cửa hàng, tầng hai là sân phơi quần áo. Tại nhiều nước, mô hình “mini flat” với diện tích chỉ khoảng 15-20 m2 được thiết kế thông minh và vẫn đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận dân cư.