Nhiều nhà tái định cư xây dựng hàng chục năm không có người ở, gây lãng phí lớn về tiền của.
Đất vàng bỏ hoang giữa Thủ đô
Cụ thể, 3 tòa nhà trên được xây dựng từ năm 2001-2006 nhằm phục vụ nhu cầu tái định cư tại chỗ của người dân sau khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng - khu đô thị Sài Đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên suốt một thời gian dài người dân không đến nhận nhà tái định cư nên toàn bộ 3 tòa nhà tòa nhà này bị bỏ hoang đến nay và hiện cả 3 tòa nhà đã xuống cấp.
Ba tòa nhà tái định cư với 150 căn hộ trên nằm trong khu vực có hạ tầng giao thông khá khang trang, hoàn chỉnh. Tuy Chủ đầu tư là Cty CP xây dựng số 3 Hà Nội mới chỉ là đề xuất phá bỏ nhưng sự việc trên không khỏi khiến dư luận băn khoăn về những tồn tại, bất cập trong việc đầu tư, quản lý, sử dụng nhà tái định cư của chủ đầu tư dự án này khi chúng tồn tại hơn 10 năm chưa sử dụng ngày nào mà lại đề xuất đập bỏ sẽ gây lãng phí.
Nằm ở vị trí trung tâm, có thể coi là “đất vàng” của Thủ đô được nhiều người mơ ước, nhưng dự án nhà tái định cư 4A phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng lại có số phận “hẩm hiu” không kém gì nhà ở Sài Đồng. Không thuộc diện phải đề xuất đập bỏ, nhưng cũng là dự án được xây dựng 24 tầng với 158 căn hộ xây dựng xong nhiều năm mà chưa có người ở. Theo tìm hiểu, hiện nay TP Hà Nội vẫn còn rất nhiều căn hộ thuộc các dự án tái định cư chưa được bàn giao cho người dân. Trong khi đó, tại một số dự án nhà tái định cư xây dựng hoàn thiện nhưng cư dân về ở vẫn thưa thớt.
Không chỉ gây lãng phí, dư luận còn quan tâm đến sự xuống cấp về chất lượng tại nhà tái định cư. Có thể kể đến là các khu nhà ở khu Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) hay nhà N5B Trung Hòa (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, các tòa nhà đã có dấu hiệu xuống cấp, tường rộp, bong tróc. Không gian chung ở các tầng, kể cả lối thoát hiểm bị chiếm dụng.
Bao giờ có tiếng nói chung?
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi năm TP đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để xây dựng nhà tái định cư. Thế nhưng, hiện tại vẫn còn khoảng hơn 1.000 căn hộ tái định cư đã xây xong mà người dân không đến nhận nhà. Trong khi đó rất nhiều người dân dù chưa có nhà để ở, thậm chí có không ít hộ phải đi ở thuê, ở nhờ, sống vật vờ nơi ga tàu, bến xe nhưng vẫn từ chối không chịu đến ở tại các khu nhà tái định cư?
Vì sao lại xảy ra tình trạng “chéo ngoe” như vậy? Các hộ dân cho biết, không phải họ không muốn vào ở mà là không thể vào ở trong các căn hộ đó với các lý do như chất lượng xây dựng thấp, các dịch vụ: Giao thông, điện, nước, cơ sở giáo dục... chưa đồng bộ. Đặc biệt, các khu nhà tái định cư hiện nay mới chủ yếu giải quyết được nhu cầu ăn ở, chứ chưa gắn với sinh kế của các hộ dân tái định cư.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Căn nguyên của vấn đề trên nằm ở chính sách làm nhà tái định cư chưa sát với thực tế. Đồng thời, việc chưa nắm bắt được nguyện vọng, ý kiến của người dân khi triển khai làm nhà tái định cư cũng là nguyên nhân khiến cho một số dự án bị đình trệ, người dân không vào ở.
“Khi làm dự án nào đó thì phải có chính sách, kế hoạch tái định cư cho người ta nhưng nhà tái định cư thì không nhất thiết có. Bởi vì các hộ dân nguyện vọng, nhu cầu, thói quen khác nhau, nhét vào nhà chung cư căn hộ nào cũng như căn hộ nào, người ta đang quen ở nhà đất, đền bù bằng tiền để họ có thể đi mua đất nhà ở chỗ khác... Làm nhà tái định cư thì phải tính toán hợp lý nhu cầu và lợi ích của người dân thì mới tạo được hiệu quả, tránh lãng phí?” – ông Liêm phân tích.
Như vậy, trong vấn đề này, rõ ràng chưa có tiếng nói chung giữa các nhà hoạch định chính sách, quy hoạch, DN xây dựng với đối tượng chính là người dân sẽ vào ở trong các khu tái định cư.
Ước tính, tại Hà Nội hiện nay, nhu cầu về nhà tái định cư lên tới khoảng 10 ngàn căn. Tuy nhiên, để giải được bài toán nhà xây bỏ hoang, dân không nơi ở, cần phải có biện pháp cương quyết để các khu tái định cư là nơi để sống chứ không phải sự ngán ngẩm như hiện nay.