01/06/2014 9:51 AM
Nếu nới thêm “room” cho nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực ngân hàng sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào ngành tài chính Việt Nam.

Yun Hang Jin Giám đốc Khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc)

Tuy nhiên, với các ngân hàng nhỏ, yếu kém chưa hẳn đã hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài, vì nợ xấu vẫn là gánh nặng lớn. Với các nhà đầu tư ngoại, yếu tố quan trọng để xem xét đầu tư vẫn là tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, thay vì chỉ mua xong giải quyết khó khăn rồi bán lại.

Cơ hội, nhưng không dễ vào

Việc Chính phủ Việt Nam đầu năm nay ban hành Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng nội đã phần nào mở ra cơ hội cho nhà đầu tư. Nghị định trên quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam, tăng 5% so với quy định cũ chỉ giới hạn mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó không vượt quá 15%. Tuy nhiên, Nghị định cũng nêu rõ, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam. Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam, trừ trường hợp nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì tỷ lệ này là không được vượt quá 20%.

Tuy tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM, nhưng điều đáng quan tâm đó chính là trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống, Chính phủ Việt Nam sẽ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định đối với từng trường hợp cụ thể.

Thông tin vừa được đưa ra từ NHNN Việt Nam cho biết, trong số 9 TCTD tái cơ cấu đợt 1 thì chỉ còn GP Bank đang trong quá trình đàm phán với đối tác nước ngoài với khả năng sẽ được mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này.

Thông tin trên cũng cho thấy, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thông qua việc đẩy mạnh tái cơ cấu. Trong hơn 2 năm qua, ngành ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến một cuộc lột xác ngoạn mục khi làn sóng mua bán, sáp nhập, hợp nhất (M&A) dần tăng tốc và phát triển một cách mạnh mẽ. Chính phủ đã có sự chỉ đạo tích cực đối với NHNN trong việc xử lý các NHTM yếu kém theo danh sách được kiểm soát.

Vì thế, nới “room” không chỉ là cơ hội đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào lĩnh vực này, mà còn là kỳ vọng của không ít ngân hàng nhỏ trong danh sách tái cơ cấu, nhằm thu hút được nguồn lực tài chính từ các cổ đông nước ngoài để có thể đáp tốt ứng việc tái cấu trúc.

Chính sách thu hút vốn ngoại cũng được xem là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm khoản đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam. Xét về lý thuyết, phương án như thế sẽ khả thi cho cả hai bên. Bên mua có cơ hội nhiều hơn để phát triển khi được mua lại 100% vốn của ngân hàng trong nước và trở thành ngân hàng ngoại, còn bên bán sẽ giải quyết được những khó khăn nội tại.

Nhưng trên thực tế cũng cần xem xét tâm lý của người mua như thế nào. Không hẳn việc mua - bán này đã hấp dẫn, nếu nội tại của ngân hàng nhỏ đó thực sự quá yếu kém và tiềm năng tăng trưởng không được như kỳ vọng. Điều đó cũng có nghĩa, khi “room” được mở hết, một số nhà băng nhỏ, yếu kém sẽ không là miếng bánh ngon để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu của các nhà đầu tư khi đầu tư vào ngân hàng nhỏ, yếu kém là để có thể phát triển nó mạnh lên, chứ không phải thấy nới “room” là mua hết.

Còn về việc nới room, dù đã có điểm mở tốt hơn, nhưng khả năng tăng thêm “room” hơn nữa sẽ rất khó. Vẫn có những lo ngại khi tỷ lệ cổ phần của nhà đầu tư ngoại tăng sẽ đồng nghĩa với việc nắm quyền chi phối cao hơn và như vậy sẽ rủi ro cho ngân hàng trong nước.

Điều đó chưa hẳn sẽ đúng với thực tế, ngược lại, khi tỷ lệ cổ phần gia tăng, đối tác chiến lược nước ngoài mới có nhiều cơ hội hơn trong việc đẩy mạnh chiến lược cùng đưa ngân hàng tăng trưởng tốt hơn so với tỷ lệ hạn chế tối đa ở mức 20% hiện nay. Vì khi quyền hạn ít, các quyết sách đưa ra của cổ đông ngoại nhiều khi không được chấp nhận nên dễ xảy ra bất đồng và rút lui.

Bán nợ xấu: chỉ mới mua thời gian

Trên quan điểm trung và dài hạn, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam một cách triệt có thể gặp nhiều khó khăn do phương án bán tài sản nợ xấu chưa đầy đủ và chưa thấy được kết quả của các hoạt động cụ thể.

Hiện chỉ mới thấy việc VAMC mua lại nợ xấu của các ngân hàng, nhưng rất khó để xử lý được một cách triệt để khi chưa hình thành được thị trường mua, bán nợ. Điều này có thể sẽ làm cho quá trình tái cơ cấu một cách triệt để cũng sẽ tốn thêm nhiều thời gian so với dự kiến.

Tâm điểm của Việt Nam trong 2013 là tập trung xử lý nợ xấu và kết quả đã phần nào tích cực. Theo thống kê nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam, cuối năm 2013, nợ xấu đã giảm xuống 3,8% so với mức 4,8% cuối năm trước đó. Điều này cho thấy, xu hướng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm và sức khỏe của ngành ngân hàng cũng phần nào được cải thiện. Từ đó có thể thấy, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian gần đây là nhằm thúc đẩy, củng cố niềm tin của thị trường về quá trình lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đó chỉ mới xét về mặt con số tổng thể nợ xấu ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện. Nếu xét về thực tế bản thân các ngân hàng đã được cải thiện hay chưa thì chưa thể đưa ra nhận định là đã cải thiện tích cực hơn so với 2 năm trước. Bởi các thông tin được công bố từ các ngân hàng còn thiếu tính minh bạch và không đầy đủ, trong đó, có tỷ lệ nợ xấu. Chính Thống đốc NHNN Việt Nam cũng cho hay, nợ xấu theo báo cáo của các NHTM đã giảm xuống dưới 4%, nhưng theo NHNN, tỷ lệ này vẫn ở mức khoảng 7%. Đồng thời, các tổ chức tài chính trên thế giới cũng còn nghi ngại trước những con số về nợ xấu mà ngành ngân hàng Việt Nam đưa ra thời gian qua.

Hiện Việt Nam đã có công cụ xử lý nợ xấu là VAMC và các ngân hàng từng bước đẩy mạnh bán nợ xấu cho công ty này. Như vậy, nợ xấu của ngân hàng cũng sẽ được cải thiện cả về chất và lượng. Tuy nhiên, nếu sau 5 năm, các khoản nợ xấu bán cho VAMC được xử lý thì phía ngân hàng mới có thể nhẹ gánh nợ. Trường hợp, các khoản nợ xấu không xử lý triệt để sau 5 năm thì nợ xấu sẽ được trả lại ngân hàng. Trong khi đó, việc trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho VAMC cũng chưa hẳn được các ngân hàng thực hiện một cách đầy đủ. Đáng chú ý là với ngân hàng yếu kém, lợi nhuận sụt giảm, thậm chí lợi nhuận sau thuế âm thì không còn khả năng trích lập. Như vậy, nếu sau 5 năm các khoản nợ xấu bán cho VAMC vẫn không được xử lý triệt để, trong khi ngân hàng lại không trích dự phòng thì vòng luẩn quẩn nợ xấu sẽ lặp lại.

Mặt khác, hiện tại, VAMC mua nợ xấu của ngân hàng, nhưng đó là nợ xấu trong quá khứ, tức nợ xấu đã phát sinh. Trong khi đó, chúng ta không thể khẳng định được rằng, nợ xấu của ngân hàng sẽ không còn phát sinh trong vòng 5 năm tới. Ngược lại, nợ xấu của ngân hàng có thể sẽ gia tăng và cũng không loại trừ trường hợp có ngân hàng lặp lại tình trạng nợ xấu như thời gian qua. Thậm chí, nợ xấu còn cao hơn mức hiện nay cũng là điều có thể xảy ra. Lúc đó, việc xử lý nợ xấu sẽ càng khó khăn. Vì thế, điều quan trọng và đòi hỏi trước hết đối với các ngân hàng sau M&A cũng như ngân hàng nhỏ đó chính là quản trị rủi ro để có thể kiểm soát tốt hơn vấn đề rủi ro nợ xấu.

Điều này tạo cảm giác rằng, sẽ phải mất nhiều thời gian cho đến khi nền kinh tế trở lên sáng sủa hơn, quá trình tái cơ cấu mới mang lại hiệu quả tích cực, giúp thanh khoản thị trường và tín dụng mới tăng lên. Vì thế, trước khi đầu tư vào lĩnh vực này, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ xem xét kỹ.

Trên thực tế hiện nay, về nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, kể cả ngân hàng đã niêm yết và những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, thì yếu tố quyết định đối với nhà đầu tư là phải xem xét đến yếu tố các nhà băng đã được tái cơ cấu như thế nào. Có thể, trong ngắn hạn, từ nay đến cuối năm 2014, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Chính phủ Việt Nam tiếp tục rót tiền để xử lý nợ xấu thông qua VAMC. Cho dù, VAMC không mua nợ xấu bằng tiền mặt, nhưng bằng trái phiếu đặc biệt nhận được, các ngân hàng sau khi bán nợ có thể dùng trái phiếu để cầm cố, lấy được nguồn vốn lãi suất rẻ. Đó cũng là lý do để thu hút nhà đầu tư trong nước “rót” vốn vào cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, để kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngành này bật mạnh trong thời gian tới là rất khó, vì ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Do đó, có lẽ phải mất thời gian khá lâu nữa cổ phiếu lĩnh vực ngân hàng mới tăng bền vững.

Chuyển biến của cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả xử lý nợ xấu và đây là tiến trình dài hạn không thể xử lý trong vài tháng hoặc một năm. Vì thế, chúng tôi nhận thấy rằng, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn này là không thích hợp với các nhà đầu tư ngắn hạn, mà đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn.

Thực tế, với những ngân hàng đã M&A và tái cơ cấu 2 năm qua, nếu xét về tỷ lệ nợ xấu thì sau M&A, nợ xấu của ngân hàng mới sẽ nhiều hơn khi cộng lại từ hai TCTD trước đó. Thống kê về kết quả kinh doanh cũng như báo cáo tài chính của các ngân hàng Việt Nam đã M&A trong thời gian qua cho thấy, tín hiệu đã có phần được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn chưa thể nói sức khỏe của các ngân hàng sau M&A đã cải thiện mạnh mẽ và hoàn toàn thoát khỏi tình trạng mất thanh khoản hay suy yếu về khả năng tài chính. Vì thế, nhiều khả năng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng khi xem xét đầu tư vào lĩnh vực này.

Đầu tư chứng khoán
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Mức xử phạt hành vi lấn chiếm đất đai

    Mức xử phạt hành vi lấn chiếm đất đai

    Với các hành vi lấn chiếm đất đai của người khác sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm. Vậy, quy định cụ thể về mức xử phạt với hành vi lấn chiếm đất đai thế nào?...

  • Xử lý thế nào khi bị hàng xóm lấn chiếm đất?

    Xử lý thế nào khi bị hàng xóm lấn chiếm đất?

    Tình trạng lấn chiếm đất với hộ liền kề là tranh chấp đất đai khá phổ biến hiện nay. Vậy, khi bị hàng xóm lấn chiếm đất, cần phải làm gì được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?...

  • Suýt bán căn hộ mới mua vì mâu thuẫn gia đình

    Suýt bán căn hộ mới mua vì mâu thuẫn gia đình

    Sau 5 năm chật vật thuê trọ, vợ chồng tôi vừa mua được một căn hộ nhỏ tại TP.HCM, nhưng rồi suýt phải vội bán vì mâu thuẫn gia đình. 

Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.