Kết quả tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng tạo hiệu ứng tích cực
Năm vừa qua, Việt Nam giành được những kết quả tích cực trong công cuộc ổn định kinh tế vĩ mô: lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, suy thoái kinh tế được đẩy lùi… Trên cơ sở hàng loạt giải pháp vĩ mô, NHNN cùng với các cơ quan Chính phủ đã phần nào thành công trong nhiệm vụ ổn định kinh tế. Điều đáng ghi nhận hơn là việc những thành tích này đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2015 có nhiều biến động, tạo một số ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước.
Ngoài ra, năm 2015 cũng chứng kiến các cải cách hành chính trong việc điều hành, quản lý của NHNN với các tổ chức tín dụng bắt đầu có những chuyển biến tích cực, tuân thủ các nguyên tắc thị trường nhưng vẫn giữ vững vai trò quản lý vĩ mô… Những cải cách này đã giúp tổ chức tín dụng ý thức tốt hơn về trách nhiệm cũng như quyền lợi trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, từ đó nâng cao tính tuân thủ, đảm bảo hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động an toàn và hiệu quả.
Với những nền tảng và kết quả đã đạt được trong năm 2015 của NHNN, thị trường có thêm niềm tin vào các chính sách vĩ mô của Nhà nước, từ đó tin tưởng quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong năm 2016. Ngành ngân hàng Việt Nam được kỳ vọng có những bước đột phá mới trong những năm tiếp theo, tạo hiệu ứng tích cực cho quá trình phát triển kinh tế đất nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và chuẩn bị sẵn sàng, hiệu quả cho quá trình Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tập trung giải quyết các vấn đề nội tại
Trung Quốc hiện đã là đối tác thương mại lớn nhất của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục suy giảm và đồng nhân dân tệ mất giá mạnh, giá cả hàng hóa trên toàn cầu sẽ theo đà giảm và đồng tiền của các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc sẽ chịu nhiều áp lực.
Trong bối cảnh này, Việt Nam đang nổi lên như một ngôi sao trong khu vực châu Á với tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tập trung giải quyết các vấn đề nội tại của đất nước để thực sự có thể phát triển bền vững và lâu dài. Tái cơ cấu ngành ngân hàng, DN quốc doanh và đầu tư công cần được đẩy nhanh tiến độ, thực hiện dứt khoát. Cải cách hệ thống giáo dục và y tế cần được thực hiện quyết liệt, nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng một lực lượng lao động có trí tuệ, tâm sáng và sức khỏe tốt.
Lạc quan nhưng cần có sự điều hành chặt chẽ của NHNN
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ quyết liệt hơn và có thể xu hướng mua bán, hợp nhất được đẩy nhanh hơn. Nợ xấu có cơ hội xử lý được nhiều hơn, bởi thực tế, nhiều khoản nợ xấu đã có giao dịch tốt và các nhà đầu tư đã có thể đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, tốc độ xử lý nợ xấu của cả hệ thống cũng như của VAMC sẽ nhanh hơn so với 2015.
Chúng ta hướng tới thị trường tài chính tiền tệ năm 2016 lạc quan nhưng không quá mức mà tiếp tục phải có sự điều hành chặt chẽ của Chính phủ và NHNN để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỷ giá phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, mà cụ thể là lạm phát... Đây là những yếu tố nền tảng để giữ được sự ổn định, giá trị VND được bảo đảm, tạo môi trường đầu tư lâu dài cho các NĐT nước ngoài.
Đẩy nhanh xử lý nợ xấu, khơi thông dòng chảy tín dụng
Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank
Thực tế, nợ xấu không phải là của ngân hàng mà do doanh nghiệp không trả được nợ khi tình hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên hiện tại, bất động sản đang dần ấm lên, tình hình kinh tế cũng sáng hơn sẽ là cơ hội để xử lý nợ xấu, bởi các ngân hàng có thể phát mãi tài sản đảm bảo nhanh hơn. Tiến trình xử lý nợ xấu trong 2016 được kỳ vọng đẩy nhanh hơn.
Nợ xấu được xử lý sẽ khơi thông dòng chảy tín dụng. Tín dụng năm sau có khả năng tăng trưởng tốt hơn năm nay, khi nền kinh tế hồi phục sẽ tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của ngân hàng. Thực tế, tín dụng vẫn đóng góp lớn nhất trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại. Mặt khác, để có thể tăng trưởng được dịch vụ thì hoạt động tín dụng phải phát triển. Một khi dịch vụ tăng trưởng, nguồn thu đóng góp cho tổng lợi nhuận của ngân hàng cũng sẽ gia tăng. Đây là lý do các ngân hàng thương mại đang từng bước đẩy mạnh hoạt động bán lẻ. Tuy nhiên, để thành công trong hoạt động bán lẻ trước hết đòi hỏi các ngân hàng phải đầu tư công nghệ, cơ sở bài bản mới kỳ vọng thành công.
Bên cạnh đó, các nhà băng phải nâng cao năng lực quản trị và quản lý rủi ro. Rõ ràng ngành ngân hàng đã trải qua một thời kỳ khó khăn và các ngân hàng thương mại đã ý thức được rất rõ về quản trị. Quản trị điều hành là một yếu tố quan trọng trong hoạt động, góp phần tạo nên thành công của ngân hàng. Nếu quản trị yếu kém và không ý thức được điều này, các ngân hàng khó có thể tồn tại được. Do đó, thị trường sẽ sớm loại bỏ những ngân hàng yếu kém trong quản trị điều hành, bởi điều này sẽ tạo ra nợ xấu và kéo theo thua lỗ.