Trần lãi suất huy động đã được quy định 12%/năm, nhưng tại các ngân hàng, với hàng loạt hợp đồng tín dụng cũ, chênh lệch phổ biến giữa lãi suất cho vay với huy động vẫn khoảng 5 – 7%/năm, có nơi lên cả 10%.

Ngày 4/5, khi NHNN phát thông điệp sẽ khống chế trần lãi suất cho vay chênh lệch không quá 3% so với lãi suất huy động, hầu hết các ngân hàng (NH) thương mại khá thoải mái khi đón nhận thông tin này: “NHNN yêu cầu thế nào sẽ thực hiện thế đó”.

Không còn là vấn đề lãi suất

Chủ trương khống chế trần lãi suất cho vay của NHNN như thông tin được tiết lộ sẽ chỉ dành cho một số lĩnh vực và đối tượng cụ thể, như xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, ngành công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ... Như vậy, các lĩnh vực khác, cho vay cá nhân, các NH vẫn được thả nổi lãi suất cho vay. Phó tổng giám đốc một NH lớn thừa nhận: “Với những ngành ưu tiên đó, các NH đã có hàng loạt gói tín dụng với lãi suất 14, 15%/năm rồi. Không cần NHNN quy định thì mức chênh lệch lãi suất cho vay chỉ 3%/năm so với huy động đã được các NH thực hiện rồi”.

Điều các NH hiện nay quan tâm không còn là việc cho vay rẻ hay đắt nữa, mà là vấn đề tăng dư nợ tín dụng an toàn. “Chúng tôi muốn cho vay không dễ, tăng dư nợ bây giờ rất khó. Các gói tín dụng lãi suất 14,5%, 15%/năm nhiều khi giải ngân không hết được, do rất khó chọn đối tượng để cho vay. Nếu cho vay an toàn mà khống chế 3% so với huy động vẫn “ngon” hơn cho vay 17, 18%/năm mà rủi ro cao. Chúng tôi muốn tăng dư nợ tín dụng, tăng lợi nhuận vì sức ép từ phía cổ đông là rất lớn”, vị này lý giải thêm.

“Lách” cũng không khó!

Ngoài việc không tăng được dư nợ do thiếu đối tượng vay an toàn, còn điều gì khiến các NH ung dung trước thông tin áp chênh lệch 3% huy động với lãi suất cho vay? Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), cho biết: “Đây là biện pháp hành chính, mà đã là biện pháp hành chính thì NH không thể nói hợp lý hay không hợp lý được nữa. Cứ theo quy định mà làm thôi”.

Dù nhìn việc áp biên độ là hợp lý nhất trong 4 phương án về lãi suất hiện nay, nhưng TS. Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng nhấn mạnh rằng đây vẫn là biện pháp hành chính. “Có thời kỳ chúng ta cũng đã áp chênh lệch lãi suất đầu ra nhưng vẫn không thể giảm được. Đã là biện pháp hành chính thì phải đi kèm với biện pháp hành chính tiếp theo trong khâu thực hiện quyết liệt mới được. Chứ không NH muốn lách cũng không khó. Thực tế, có thời kỳ áp trần huy động 14% nhưng các NH đã huy động lên 17, 18%/năm”. Ngoài ra, ông Dương cũng dự báo, lãi suất huy động sẽ phải xuống nữa mới giảm được lãi suất đầu ra theo kỳ vọng. “Không có biên độ này thì lãi suất đầu ra không xuống được, nhưng đầu vào sẽ còn phải xuống nữa, và NHNN phải thực hiện quyết liệt thì mới loại bỏ được quyền lợi nhóm, đưa NH chia sẻ khó khăn, chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông Dương phân tích.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, cũng cho rằng đã áp trần lãi suất huy động thì việc có biên độ lãi suất cho vay với mức cộng thêm 3% là hợp lý. Tuy nhiên, nếu không thể áp mức chênh lệch này với tất cả các lĩnh vực cho vay thì nên có thêm các biên độ cho những lĩnh vực cho vay khác, tránh việc các NH sẽ lách phần chênh lệch và NHNN khó thực triển khai hiện biện pháp hành chính này.

Theo Đất Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.