Theo đánh giá từ ADB, thị trường trái phiếu Việt Nam đang có tốc độ phát triển cao nhất tại các nền kinh tế đang phát triển khu vực châu Á. Song, bên cạnh những tín hiệu lạc quan về quy mô và tốc độ phát triển của thị trường, thì giới chuyên gia lại tỏ ra quan ngại về cơ cấu các thành viên tham gia thị trường, với việc chiếm tới 86% là các ngân hàng thương mại.

“Dòng chảy ngược”

Báo cáo từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường là 23%, theo đó ngân sách Nhà nước đã huy động được 654.493 tỷ đồng trái phiếu thông qua hình thức đấu thầu.

Tuy nhiên, Báo cáo của HNX cũng chỉ ra, thị trường trái phiếu Việt Nam bao gồm 25 thành viên đấu thầu và 54 thành viên giao dịch trên thị trường thứ cấp. Song, các ngân hàng thương mại đóng vai trò chính với tỷ trọng nắm giữ danh mục trái phiếu Chính phủ, đạt khoảng 86%.

Chuyên gia kinh tế, Phạm Chi Lan phân tích, huy động trái phiếu Chính phủ hầu hết là được các ngân hàng thương mại mua, có nghĩa dòng tiền của các ngân hàng thay vì chảy vào khu vực doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư thì lại đổ vào khu vực công.

“Như vậy, dòng chảy đó là ‘dòng chảy ngược,” bà Lan nhấn mạnh.

Theo bà Lan, lẽ ra ngân hàng huy động vốn trong xã hội để cung cấp trở lại cho xã hội, cho các khu vực doanh nghiệp để đầu tư phát triển thì lại đưa vào khu vực của Nhà nước. Điều này khiến cho khu vực doanh nghiệp (đặc biệt là khối tư nhân) tiếp cận tín dụng càng khó khăn hơn. Theo đó, nền kinh tế trở nên tăng trưởng kém hiệu quả và không tạo ra được công ăn việc làm cho xã hội.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, thực tế thị trường trái phiếu là đáng lo hơn mừng khi dòng tiền của các ngân hàng, thay vì chảy vào khu vực doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư thì lại đổ vào khu vực công. (Ảnh: TTXVN)

Đánh giá về thực trạng trên, bà Lan khẳng định “rõ ràng những vấn đề này là đáng lo hơn là đáng mừng. Với các ngân hàng, khi Chính phủ cứ huy động thế này thì họ ‘thích”, bởi thực hiện được một lúc hai mục tiêu, là ủng hộ được chủ trương của Chính phủ đồng thời tránh né được những rủi ro thị trường khi làm việc với doanh nghiệp.”

Báo cáo Theo dõi Trái phiếu Châu Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới nhất của ADB (23/9) cũng chỉ ra 3 lý do tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trái phiếu Việt Nam là mức tăng trưởng tín dụng yếu kém, lạm phát thấp và sự kỳ vọng vào sự ổn định của tỷ giá hối đoái.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Chí Hiếu nhấn mạnh, “Về cơ bản, ngân hàng thương mại chỉ nên giữ khoảng 10% trên tổng số trái phiếu của Chính phủ thôi. Nếu ngân hàng mua quá nhiều trái phiếu có nghĩa là họ dùng tiền huy động thay vì đưa vào sản xuất thì lại tài trợ Chính phủ, đi ngược với chức năng của ngân hàng. Về lâu dài, đây là hiện tượng không mong muốn.”

Thanh khoản yếu

Theo đánh giá từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, xem xét cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường cho thấy vai trò của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu Việt Nam hiện còn rất hạn chế, xét về cả tỷ trọng tương đối và quy mô tuyệt đối.

Hiện, trong danh mục trái phiếu Chính phủ đang lưu hành của Việt Nam, tỷ trọng nắm giữ của khối nhà đầu tư nước ngoài ước tính khoảng 2% và 98% còn lại thuộc về các nhà đầu tư trong nước.

Trong khi đó, tỷ lệ này tại Thái Lan là 18%-82%, Indonesia là 33%-67% hay Hàn Quốc là 9%-91% (theo thống kê của ADB.)

Nhà đầu tư nước ngoài chưa "hứng khởi" với thị trường trái phiếu. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ông Phan Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Quỹ Dragon Capital cho rằng, “thị trường trái phiếu Việt Nam đang phát triển tốt và đúng hướng. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn nhỏ, về phương thức phát hành trái phiếu lô lớn chưa theo kịp thông lệ quốc tế và quan trọng hơn nữa là thanh khoản trên thị trường thứ cấp vẫn còn yếu, không thuận tiện… do đó, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường vẫn hạn chế.”

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng dự báo, trong bối cảnh hiện nay, đầu ra của ngân hàng thương mại vẫn gặp nhiều khó khăn, thì ngân hàng vẫn phải tiếp tục mua trái phiếu và đây là hành động mang tính tình huống.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thị trường trái phiếu Chính phủ của Việt Nam (23/9), Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhìn nhận, bên cạnh điểm nổi bật của thị trường, thị trường còn nhiều tồn tại và khiếm khuyết. Sản phẩm trên thị trường nghèo nàn, cho đến nay chỉ có một công cụ trái phiếu có kỳ hạn, lãi suất trả hàng năm, đáo hạn một lần. Ngay cả kỳ hạn của trái phiếu cũng chưa đa dạng, chủ yếu là loại ngắn hạn, dưới 5 năm.

Về cơ sở nhà đầu tư, Thứ trưởng đánh giá, dư nợ trái phiếu chủ yếu được nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại, trong khi các quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm tham gia trên thị trường bởi quy mô tài chính, năng lực đầu tư thì còn có nhiều hạn chế, vì vậy phần nào ảnh hưởng đến tính bền vững, phát triển hiệu quả của thị trường.

Thêm một trở ngại nữa, Thứ trưởng chỉ ra đó là yếu tố kinh tế vĩ mô. Kinh tế vĩ mô cũng như thanh khoản của thị trường tài chính, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thì vẫn là những yếu tố tiềm ẩn, tác động đến hoạt động của thị trường trái phiếu.

“Trong đó còn có yêu cầu về công khai, minh bạch, đối thoại về chính sách, chúng ta cũng đã triển khai, nhưng chưa được nhiều. Vấn đề xác định mức định mức tín nhiệm, của các công cụ nợ cũng như nhà phát hành cho đến nay chúng ta cũng chưa làm được.

Tất cả những trở ngại như vậy chúng tôi cho rằng các cơ quan có liên quan, cũng như các tổ chức cần tiếp tục phối kết hợp để có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới đây,” ông Hà nói./.

Dũng - Hạnh (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.