Có một vài trường hợp ngân hàng được đánh giá an toàn về vốn lại có khả năng mất vốn nhiều hơn. Ảnh: Trường Nikon
Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) là một chỉ tiêu an toàn trong hoạt động ngân hàng, được quy định rõ trong luật lệ của giới ngân hàng quốc tế (chuẩn Basel). CAR là thương số của vốn tự có và tổng tài sản rủi ro (tức giá trị các tài sản có nhân với hệ số rủi ro). Ở Việt Nam, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9%, theo quy định tại Thông tư 13/2010 của Ngân hàng Nhà nước.
Thời điểm đó đã có nhiều tranh cãi cho rằng 9% là quá cao, ngân hàng khó đáp ứng được. Nhưng sau đó, hầu hết các ngân hàng đều ung dung khi mức CAR cao hơn nhiều so với mức tối thiểu, trừ Agribank, theo số liệu năm 2011.
Cuối năm 2012 trở lại đây, cùng với những khó khăn của thị trường, CAR của hệ thống ngân hàng thương mại tư nhân có xu hướng giảm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước CAR giảm từ mức 14,01% ở thời điểm cuối năm 2012 về 12,8% vào tháng 6.2013.
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Giang, trích lập dự phòng tăng sẽ dẫn đến vốn tự có giảm và cuối cùng CAR giảm theo. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy vốn tự có của khối ngân hàng tư nhân trong 6 tháng đầu năm 2013 đã giảm 3,68%.
Số liệu hệ thống là như vậy nhưng có một nghịch lý là CAR của một số ngân hàng vẫn tăng lên cùng lúc với nợ xấu gia tăng. Mà trường hợp điển hình có thể kể đến là Navibank.
Cuối năm 2011, tỉ lệ nợ xấu và CAR của Navibank lần lượt ở mức 2,92% và 17,18%. Đến cuối năm 2012, hai con số này lần lượt là 5,64% và 19,09%. Nghĩa là nợ xấu tăng mạnh nhưng hệ số an toàn vốn của ngân hàng này vẫn tiếp tục tăng.
Nhìn vào báo cáo tài chính năm 2012, lợi nhuận của Navibank chỉ có 2,4 tỉ đồng, trong khi tài sản rủi ro giảm không nhiều. Vậy thì CAR tăng do đâu? Xem xét kỹ hơn, ngân hàng này đẩy vốn tự có lên từ việc phát hành giấy tờ có giá (giá trị tăng gấp 18,5 lần so với năm 2011).
Một trong những lý do khiến các ngân hàng đẩy CAR lên cao chính là xu hướng giấu nợ. “Nếu trích lập đầy đủ thì ngay lập tức CAR phải giảm xuống chứ không thể tăng lên”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết. Còn ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình kinh tế Fulbright, cho rằng các ngân hàng giấu nợ, hoặc đảo nợ bằng cách đưa vào hạng mục Tài sản khác. Ở Navibank, hạng mục này trong năm 2012 tăng 39% so với năm 2011 và gấp 8,4 lần so với năm 2009.
Mặt khác, các ngân hàng đang tận dụng triệt để việc tăng vốn tự có để xử lý nợ xấu hoặc tái cấu trúc và điều này góp phần duy trì CAR ngày càng cao. Chẳng hạn như trường hợp của Bảo Việt Bank và Tiên Phong Bank.
Tháng 12.2012 cả 2 ngân hàng này đồng loạt tăng vốn điều lệ. Bảo Việt Bank tăng từ 1.500 lên 3.000 tỉ đồng và là ngân hàng cuối cùng trong hệ thống hoàn tất yêu cầu tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nhà nước. Còn Tiên Phong Bank tăng vốn từ 3.000 tỉ đồng lên 5.550 tỉ đồng sau khi ông Đỗ Minh Phú, Tập đoàn Doji, nhảy vào. Hệ quả là CAR ở Bảo Việt Bank tăng lên đến mức 42% còn Tiên Phong Bank lên mức 40,15%. CAR trước khi tăng vốn của 2 ngân hàng này cũng thuộc nhóm cao nhất của hệ thống ngân hàng.
Nhận định về con số CAR lên đến 40% ở 2 ngân hàng trên, Tiến sĩ Lê Hồng Giang cho biết: “Nếu CAR lên đến 40% thì ngân hàng đó hoặc gần như không huy động nổi tiền gửi hoặc không thể/không muốn cho vay. Kiểu gì cũng không phải là một ngân hàng đang hoạt động bình thường”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, CAR của các ngân hàng ở mức cao chính là một phần do sở hữu chéo.
Có một luận giải khác cho việc CAR có xu hướng tăng. Đó là sự e dè cho vay của các ngân hàng và tập trung vào các khoản đầu tư an toàn với hệ số rủi ro thấp (chẳng hạn trái phiếu Chính phủ). Điều này dẫn đến giảm tổng tài sản rủi ro.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận xét: hầu như các ngân hàng có mức CAR cao đều là những ngân hàng nhỏ. Và trong số đó có nhiều ngân hàng yếu kém. Chẳng hạn như một trường hợp khác là Đại Á Bank (nay đã sáp nhập vào HDbank).
Nhìn về phía trước, cuộc chơi xử lý nợ xấu đang bắt đầu sôi động lên khi VAMC chính thức nhảy vào. “Thành lập VAMC là một cách để giúp các ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu một cách gián tiếp”, ông Giang viết trên blog của mình. Chưa kể trường hợp ngân hàng sẽ được vay tái cấp vốn từ các trái phiếu của VAMC. Chính vì thế, CAR có khả năng tiếp tục tăng lên.