Theo NHNN, thanh khoản VND toàn hệ thống đang dư thừa. Do vậy, trước mắt, NHNN tạm thời chưa áp dụng quy định về tỷ lệ sử dụng vốn tại Thông tư số 13 và Thông tư 19 nhằm tạo sự luân chuyển và điều hòa vốn giữa thị trường I và thị trường II (liên ngân hàng), giữa TCTD thừa và TCTD thiếu vốn, giúp các TCTD thiếu vốn có điều kiện tăng trưởng tín dụng trong giới hạn 20% và hạ được lãi suất cho vay.
Tuy
nhiên, trước áp lực lạm phát hiện nay, chi phí huy động vốn đầu vào của
các ngân hàng chưa thể cắt giảm mạnh khi mà lãi suất tiết kiệm thực mà
ngân hàng phải trả cho khách vẫn từ 17 - 18,5%/năm, nên việc điều
chỉnh giảm lãi vay còn dè dặt. Chưa kể nhiều ngân hàng quy mô nhỏ phải
cạnh tranh khá chật vật để giữ thị phần tiết kiệm đang có cũng như thu
hút thêm tiền nhàn rỗi.
Hiện
chỉ có một số NHTM lớn tính việc giảm lãi suất cho vay thỏa thuận bằng
tiền đồng hoặc triển khai chương trình tín dụng VND lãi suất ngoại tệ
có điều kiện. Đơn cử Eximbank với chương trình tài trợ lãi suất ưu đãi
dành cho doanh nghiệp xuất khẩu. Theo đó, lãi suất cho vay thỏa thuận
tiền đồng 17%/năm được dành bổ sung vốn thu mua hàng hóa, nguyên vật
liệu, thanh toán cho các chi phí liên quan đến sản xuất, kinh doanh chế
biến hàng hóa xuất khẩu với thời hạn tối đa 3 tháng. Các doanh nghiệp
xuất khẩu cũng có thể lựa chọn chương trình “Tài trợ xuất khẩu bằng VND
với lãi suất ngoại tệ” ở mức 7%/năm cho mục đích bổ sung vốn thu mua
hàng hóa, nguyên vật liệu, thanh toán cho các chi phí liên quan đến sản
xuất, kinh doanh chế biến hàng hóa xuất khẩu, trong tối đa 6 tháng. Đổi
lại việc tiếp cận nguồn vốn tiền đồng giá rẻ này, các doanh nghiệp xuất
khẩu phải bán lại ngoại tệ cho Eximbank khi có nguồn thu.
Ngân
hàng ACB đang thực hiện chương trình giảm 1,2%/năm lãi suất cho các
khoản vay từng lần hoặc hạn mức tín dụng từ 500 triệu đồng trở lên (khu
vực TP.HCM, Hà Nội), từ 300 triệu đồng trở lên đối với các tỉnh/thành
phố khác. Tuy nhiên, theo ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám
đốc Khối khách hàng cá nhân ACB, lãi suất áp dụng đối với các cá nhân
vay vốn tại ACB hiện nay vẫn dao động từ 20 - 22%/năm do chi phí huy
động vốn đầu vào chưa giảm như kỳ vọng.
Việc
cắt giảm lãi suất cho vay thỏa thuận để có thể kích hoạt tín dụng trong
những tháng còn lại của năm là điều buộc các nhà băng phải tính đến.
Với những nhà băng chưa sử dụng hết “room” tín dụng 20%, việc mở rộng
hoạt động cho vay sẽ được đẩy mạnh, nhằm gia tăng nguồn thu đóng góp
vào lợi nhuận. Thế nhưng, trước áp lực chi phí đầu vào hiện nay, các
nhà băng vẫn nhìn nhau.
Ông
Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho biết, tính đến thời điểm này Ngân
hàng chỉ mới sử dụng hết khoảng 12% “room” dư nợ so với mức cho phép là
20% trong năm nay, nên việc cắt giảm lãi suất cho vay thỏa thuận đang
được tính đến. Nhưng hiện ngân hàng đang nghe ngóng, xem xét tình hình
thị trường.
Với mức lãi suất huy động vốn mà phần lớn các ngân hàng phải trả ngoài mức trần 14%/năm hiện nay để giữ nguồn tiền tiết kiệm, thì giảm lãi vay về 17 - 19%/năm trong tháng 9 là điều không dễ dàng để thực hiện. Do đó, trước mắt, các ngân hàng chỉ mới ưu tiên giảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.