06/12/2012 8:34 PM
Nhiều chuyên gia ngân hàng nước ngoài cho rằng, để giảm chi phí tái cơ cấu ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải yêu cầu các ngân hàng sử dụng tối đa vốn chủ sở hữu để bù đắp nợ xấu, nhằm giảm gánh nặng chi phí của Nhà nước. Với những ngân hàng quá yếu kém, nên yêu cầu sáp nhập hoặc phải đóng cửa.

Theo ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Charter khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia, nợ xấu ở Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát, xử lý được.

“Vốn chủ sở hữu ngân hàng phải được sử dụng để bù đắp tổn thất của các ngân hàng trước khi Nhà nước có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Bởi mục đích chính của vốn chủ sở hữu là bù đắp những tổn thất của nó. Sẽ có rủi ro đạo đức nếu các chủ ngân hàng không có áp lực mất vốn chủ sở hữu, họ cũng sẽ không có động lực để nỗ lực hơn trong tương lai”, ông Louis nói.

Đồng tình với giải pháp này, nhiều ngân hàng nước ngoài cũng cho rằng, đây là giải pháp khó khăn với cổ đông của các ngân hàng, nhưng không còn giải pháp nào khác. Nếu không nhanh chóng đưa ra những quyết định dũng cảm, gánh nặng của nợ xấu sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế.

Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC (Việt Nam) cho rằng, hiện hệ thống ngân hàng của Việt Nam có hai loại. Loại thứ nhất là những ngân hàng có tiềm năng phát triển, được quản lý chuyên nghiệp, nợ xấu thấp. Những ngân hàng này cần được tiếp tục rót vốn từ các cổ đông cũ hoặc cổ đông mới. Loại thứ hai là những ngân hàng yếu, không có ý nghĩa chiến lược, không còn vốn chủ sở hữu. Những ngân hàng “không có tương lai” này cần được sáp nhập hoặc đóng cửa. “Những ngân hàng không có tương lai này sẽ bán tất cả những khoản nợ còn tốt cho Công ty xử mua bán nợ quốc gia (AMC), và NHNN sẽ hủy giấy phép kinh doanh của ngân hàng này”, ông Sumit Dutta nêu giải pháp.

Về sử dụng mô hình AMC để chuyển nợ xấu ra khỏi khu vực ngân hàng, các ngân hàng nước ngoài cho rằng, đây là giải pháp tốt mà Chính phủ nên triển khai sớm. Trên thực tế, giải pháp này đã được triển khai thành công ở nhiều nước có hoàn cảnh tương đồng với Việt Nam hiện tại. Theo ông Brett Krause, Tổng giám đốc Citibank, điều quan trọng nhất trong xử lý nợ xấu là phải đưa ra một giá trị thị trường phù hợp. Sự tồn tại của AMC cũng chỉ nên kéo dài trong 5 - 7 năm. Nếu công ty này tồn tại quá ngắn, có thể sẽ không bảo đảm tính thanh khoản của thị trường, nhưng nếu quá dài sẽ khiến các vấn đề bị chậm giải quyết. Ngoài ra, để tránh các ngân hàng hậu tái cơ cấu lại rơi vào vết xe đổ nợ xấu, ông Brett Krause cho rằng, NHNN phải buộc các ngân hàng nâng cao khả năng quản lý, quản trị rủi ro.

Liên quan đến nguồn vốn tái cơ cấu ngân hàng, các ngân hàng nước ngoài cho rằng, nguồn lực từ các nhà đầu tư nội địa hiện rất thấp, nguồn vốn tiềm năng nhất là từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài lại đang vướng quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngân hàng nội địa (không quá 20%). Với tỷ lệ sở hữu này, các nhà đầu tư nước ngoài khó có thể tham gia làm thay đổi khả năng quản trị của các ngân hàng trong nước. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải nâng tỷ lệ sở hữu của ngân hàng nước ngoài tại ngân hàng trong nước lên tới 49%.

Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã đề cập đến việc khuyến kích ngân hàng nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam, nhưng đến nay, phạm vi, thời hạn tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổng mức sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng trong nước vẫn chưa được cụ thể hóa.

Theo Hà Tâm (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.