15/07/2012 10:10 PM
Các ngân hàng thương mại đang đau đầu với bài toán vốn đầu ra và lợi nhuận thu về trong kinh doanh. Hiện thanh khoản đã cải thiện, song không dễ tìm được khách hàng tốt để cho vay.

Ngân hàng thận trọng không cho vay ồ ạt để tránh nợ xấu gia tăng. Anh: Chí Cường

Các ngân hàng cũng không thể ồ ạt đẩy mạnh tín dụng, bởi nợ xấu có xu hướng tăng.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng HDBank, ông Phạm Thiện Long cho rằng, không dễ đẩy mạnh hoạt động cho vay lúc này, dù các ngân hàng đang thừa vốn khả dụng và muốn tăng dư nợ. Môi trường kinh doanh không thuận lợi khi sức mua giảm và hàng tồn kho gia tăng đang khiến các doanh nghiệp không thể thu hồi được vốn trả nợ vay. Trong bối cảnh nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm, lựa chọn tốt nhất lúc này của các ngân hàng vẫn là kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.

Tại Ngân hàng Eximbank, để chia sẻ khó khăn cho khách hàng và giải quyết bài toán vốn, Ngân hàng triển khai chương trình cho vay VND cho các cá nhân và doanh nghiệp có bảo hiểm tỷ giá, với lãi suất ưu đãi 7%/năm. Sau 2 tuần triển khai chương trình, lượng vốn giải ngân đạt khoảng 2.700 tỷ đồng với 234 khách hàng (35 cá nhân và 199 doanh nghiệp).

Tuy nhiên, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, tiến độ giải ngân vốn vẫn chậm. Lãi suất giảm là điều kiện tốt để phát triển hoạt động cho vay, đặc biệt là khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm thêm 1% cho lãi suất chủ chốt, tăng trưởng dư nợ của Ngân hàng trong 6 tháng qua thấp và “room” cho vay 17% còn khá nhiều. Song điều đó không có nghĩa, Eximbank nới chuẩn cho vay, mà ngược lại, còn siết chặt hơn chất lượng tín dụng.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, quan điểm của các ngân hàng hiện nay là thà gửi vốn lên liên ngân hàng với lãi suất thấp, hay mua trái phiếu chính phủ để hưởng lợi tức 7 - 8%/năm, còn hơn cho vay ồ ạt để lãnh hậu quả nợ xấu tăng. Lý do là, nợ xấu tăng đòi hỏi phải trích lập dự phòng, khiến lợi nhuận của các ngân hàng thương mại bị thu hẹp.

Theo ông Nghĩa, hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã hết tài sản thế chấp để vay vốn, còn các doanh nghiệp có sức khỏe tốt, đủ điều kiện vay vốn lại chưa muốn vay. Vì vậy, các ngân hàng cần khoanh vùng từng đối tượng doanh nghiệp. Nếu đơn vị nào có dự án kinh doanh tốt và khả năng trả nợ cao, thì ngân hàng mạnh dạn cho vay, dù khách hàng không còn tài sản để thế chấp. Về phần mình, các doanh nghiệp cũng phải hợp tác chặt chẽ và tạo được chữ tín với ngân hàng, để tìm hướng xử lý, giải quyết nợ cũ.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, nợ xấu tăng không chỉ là khó khăn tài chính đối với tổ chức tín dụng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình mở rộng, cũng như tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đối với nền kinh tế. Tăng trưởng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM 5 tháng đầu năm nay âm, nhưng cuối tháng 6/2012 đã tăng hơn 1,9%. Tuy vậy, nợ xấu của các ngân hàng lại chiếm đến 6,03% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn Thành phố.

Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.